Hơn 26 triệu người Việt Nam sống trong các đô thị
Đô thị hóa diễn ra nhanh nhất trong vòng hơn 20 năm trở lại đây. Năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới khoảng 11,8 triệu người, đến năm 2010 đã tăng lên khoảng 26,3 triệu người. Con số này tương ứng với tỷ lệ 19% và 30,5% dân số
Xu hướng độ thị hóa được đẩy lên tốc độ mới vào đầu những năm 1990, khi hiện đại hóa trở thành một mục tiêu quốc gia. Cho đến nay, Việt Nam đã có 755 đô thị. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố có mức và tốc độ đô thị hóa cao nhất.
Các chuyên gia dự báo vào năm 2020, tỉ lệ đô thị hoá Việt Nam sẽ đạt khoảng 45%, riêng thủ đô Hà Nội, tỉ lệ đô thị hóa nhảy vọt thành 55 - 65% .
Đô thị hóa kéo theo việc hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp bị bê tông hóa. Chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 2000 đến 2010, Hà Nội thu hồi 11 nghìn ha đất nông nghiệp phục vụ cho 1.736 dự án phát triển đô thị và công nghiệp.
Dân số Hà Nội cũng gia tăng lên với tốc độ chóng mặt, chủ yếu là do dòng người di cư. Hà Nội vào năm 1990 là hai triệu người, năm 2000 là 2,67 triệu và năm 2009 đạt tới 6,5 triệu dân. Đến năm 2030, dân số Hà Nội khoảng 10 triệu người
TP. Hồ Chí Minh với hơn bảy triệu người hiện nay cũng không thoát khỏi vòng xoáy của tình trạng bành trướng quy mô không gian đô thị, mà phần lớn là theo hướng tự phát, diễn ra rất nhanh về các hướng, với mật độ xây dựng dày đặc và thiếu vắng hẳn các không gian công cộng.
Mặt trái
Quá trình đô thị hoá đang diễn ra chóng mặt kéo theo nhiều hệ lụy đi kèm. Các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Dân số tăng nhanh trong khi khả năng đáp ứng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội đô thị, mạng lưới giao thông chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu.
Bên cạnh việc lãng phí việc sử dụng đất, đô thị hóa còn làm giảm đi diện tích đất nông nghiệp ở các vùng ven đô, nhiều làng nghề truyền thống nức tiếng gần xa một thời cũng dần biến mất trong cái bóng đô thị.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế và tài chính Việt – Pháp 2012 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Sửu, Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn Hà Nội cho biết, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng giảm nhanh và rõ rệt.
Từ năm 2000 – 2010 có 10.000 ha đất, phần lớn là đất nông nghiệp của Hà Nội chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp. Sự chuyển đổi này làm mất đi nghề truyền thống của 150.000 nông dân. Xu hướng này vẫn chưa dừng lại bởi dự kiến, giai đoạn 2010 – 2020 diện tích nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm tới 30%.
Đất nông nghiệp bị thu hẹp còn đặt ra bài toán tìm nguồn cung cấp thực phẩm, lương thực cho nội thành Hà Nội .
Vẫn theo ông Sửu, khả năng người nông dân chuyển đến địa bàn khác sản xuất nông nghiệp không thể xảy ra. Hầu hết đất nông nghiệp đã có chủ, chỉ còn lại một phần rất nhỏ làm đất công ích. Không có cơ hội để người nông dân di chuyển ra qui mô lớn để sản xuất nông nghiệp. Vậy sống bằng gì và lương thực lấy từ đâu phụ thuộc vào khu vực xa hơn khu vực ven đô.
Bàn về những hệ luy của đô thị hóa, ông Marc Cabane, cố vấn khoa học Diễn đàn kinh tế và tài chính Việt- Pháp lần thứ 9, Cho rằng, việc quản lý đất không phải lúc nào cũng dễ dàng khi đô thị hóa phát triển nhanh.
Việt Nam có một đặc thù là số dân ở vùng ven đô rất lớn vì các đô thị phát triển song song với các làng. Các làng ven đô biến thành khu đô thị ven đô. Nhưng các làng thường có nghề truyền thống và văn hóa đi kèm.
Văn hóa cũng là vấn đề lớn chịu ảnh hưởng nhiều của quá trình đô thị hóa. Đất đai của người nông dân giảm đi thì nghề và thu nhập chính của họ là câu hỏi lớn cần trả lời. Và liệu công việc mới có đáp ứng được sự chờ đợi, mong đợi của người dân trong quá trình đô thị hóa.
Và cuối cùng, cơ cấu một thành phố trong tương lai như thế nào? Lựa chọn có rất nhiều nhưng quá trình đô thị hóa nhanh như vậy, ta theo phương thức nào? Câu hỏi này khó có thể trả lời khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang loay hoay tìm cho mình một phương thức riêng chứ chẳng riêng gì Việt Nam
Hồng Trang
End of content
Không có tin nào tiếp theo