Tin tức - Sự kiện

Hơn 30% nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt

Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền TP Hà Nội và TP HCM đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thông tin từ Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam (Plan) và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) ngày 15/12 cho biết cho biết: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt.

Khảo sát do ActionAid, Plan và CGFED thực hiện với những nhóm đối tượng  khác nhau cho thấy, có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi khẳng định đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, 31% nữ sinh được hỏi trả lời đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt; 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này.

 40% người tham gia khảo sát đã từng chứng kiến các hành vi quấy rối các em gái vị thành niên, 47% trong số đó chứng kiến hành vi này lặp lại nhiều lần. Nam giới và phụ nữ tham gia khảo sát xem vấn đề trộm cắp cướp giật là rủi ro lớn nhất, theo sau đó là các hình thức quấy rối tình dục khác nhau. Chỉ 13% trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn tại những nơi công cộng.

Đáng lưu ý là phần lớn người bị hại hoàn toàn bị động khi phải đối mặt với tình huống bị quấy rối tình dục và những người chứng kiến hoàn toàn thờ ơ – 66% phụ nữ và trẻ em gái được phỏng vấn không có bất kỳ phản ứng nào và 65% nam giới và người chứng kiến không hề có các hành động nào để can thiệp. 20% những người chứng kiến không làm gì khi thấy trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt. 

Chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật” do các tổ chức nêu trên khởi xướng mong muốn có các hành động cụ thể từ phía các cơ quan nhà nước, từ việc giáo dục công dân tôn trọng quyền phụ nữ cho đến việc tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, phương tiện giao thông hay nâng cấp nhà vệ sinh công cộng và các dịch vụ công có chất lượng cho người dân. Thái độ và hành vi của nam giới đối với phụ nữ, cũng như văn hóa coi thường pháp luật cần phải thay đổi thông qua việc nhà nước đảm bảo thực thi luật hiệu quả và có các cơ chế giám sát, xử phạt phù hợp.

Chương trình không chỉ là phòng chống quấy rối tình dục, mà còn góp phần xây dựng một thành phố để phụ nữ và trẻ em gái có thể: Tự do di chuyển không lo bị hành hung và được an toàn dù ban ngày hay ban đêm; tự do lựa chọn cách ăn mặc không lo bị quấy rối; tự do đến trường không bị trêu đùa kỳ thị, xa lánh; tự do làm việc trong môi trường an toàn với nhận thức đầy đủ về quyền của bản thân; tự do tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công mà không bị sách nhiễu; tự do tham gia vào các hoạt động giải trí; tự do đưa ra ý kiến trong quá trình lập kế hoạch của thành phố và tự hào về thành phố của mình.

Theo đó, vừa qua, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã gửi văn bản tới chính quyền thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp ngăn chặn quấy rối tình dục trên xe buýt. ActionAid, Plan và CGFED mong đợi  sẽ sớm có câu trả lời và phản hồi từ phía chính quyền hai thành phố và người tham gia xe buýt. Các tổ chức này kêu gọi tất cả mọi người  lên tiếng và hành động khi chứng kiến các hành vi quấy rối và xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, để các thành phố của Việt Nam sẽ luôn là nơi những “giấc mơ thành hiện thực”.


 

VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo