Tin tức - Sự kiện

Họp Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương lần thứ 7

Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, việc xây dựng 2 trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật là hết sức quan trọng. Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, 2 trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 7, thảo luận “Dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân”; cho ý kiến về đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các đại biểu thảo luận cho ý kiến về những nội dung quan trọng nêu tại hai văn bản. Các đại biểu đã thảo luận và nêu rõ các đề án đã làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, đánh giá được thực trạng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật của Việt Nam.

Về dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng: Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng khá công phu, đã hệ thống hóa được các chủ trương của Bộ Chính trị và quan điểm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về công tác đào tạo các chức danh tư pháp.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, việc xây dựng 2 trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật là hết sức quan trọng. Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, 2 trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo; đánh giá lại chất lượng sinh viên và nhu cầu phát triển tuyển dụng của các cơ quan tư pháp để có định hướng phát triển phù hợp.

Đề cập dự thảo báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phải đánh giá thực trạng đào tạo và đào tạo lại, cũng như nhu cầu đào tạo các chức danh tư pháp để có sự phân công cho phù hợp. Chủ tịch nước cũng nêu rõ Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là nhất quán. Chủ tịch nước chỉ đạo các ban ngành chức năng và ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

 

Như Trâm (Theo Thông tấn xã Việt Nam)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo