Tin tức - Sự kiện

Huffington Post: Việt Nam không “gieo gió” thì chẳng sợ “gặp bão”

Việt Nam không “gieo gió” thì sẽ chẳng sợ “gặt bão” nếu phải đối mặt với Trung Quốc, tờ Huffington Post nhận định.

Người Việt Nam xuống đường tuần hành phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: Telegraph

Trong bài báo “Vietnam vs. China: The Captain Who Went Down With His Ship” (Tạm dịch: “Việt Nam đối đầu Trung Quốc: Thuyền trưởng thà chết chứ không bỏ tàu) đăng trên tờ báo điện tử hàng đầu của Mỹ - Huffington Post, tác giả T.Dean Reed – một chuyên gia phân tích về Biển Đông kỳ cựu, nhận xét Việt Nam sẽ không chịu lùi bước trước một Trung Quốc vừa đánh trống, vừa la làng.

Tựa đề của bài viết là một câu chuyện anh dũng tác giả gợi lại trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, trước sự xâm lăng của quân Trung Quốc năm xưa. 

Trong trận chiến đó, Thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà là người điều hành tàu chiến phát hỏa vào tàu địch của Trung Quốc. 

Tuy nhiên hộ tống hạm Nhật Tảo mà ông điều hành là chiếc tàu nhỏ nhất và yếu nhất, nên sau khi trúng đạn pháo, toàn bộ hệ thống máy đã bị tê liệt. 

Trong khi ba chiến hạm khác của Việt Nam tẩu thoát khỏi Hoàng Sa, Thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng đoàn thủy thủ được lệnh bỏ tàu. 

Nhưng người anh hùng Ngụy Văn Thà đã lựa chọn ở lại cùng với con tàu mà ông chỉ huy, chìm xuống đáy Biển Đông sâu thẳm.

40 năm sau trận chiến, hiện giờ Việt Nam lại đang phải đối phó với những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, bài báo ghi nhận.

Nhưng tác giả nhận định dòng máu anh hùng vẫn chảy trong người dân Việt Nam, như một cựu chiến binh 74 tuổi đã thẳng thắn trả lời hãng tin AFP tại Hà Nội: “Chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ tổ quốc”.

Lời khẳng định này được người binh sĩ năm nào đưa ra trong bối cảnh công ty nhà nước của Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan nghìn tỷ USD trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. 

Một động thái ngang ngược thổi bùng lên sự đối đầu trong thời gian gần đây tại châu Á, như tờ Wall Street Journal miêu tả: “Thêm một tuần mới, thêm một bước mới trong công cuộc lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc”.

Tàu hải giám của Việt Nam xung quanh giàn khoan đã phải hứng chịu vòi rồng và các hành động hung hăng từ phía tàu Trung Quốc, tờ báo thuật lại. 

Kết quả dẫn đến tình trạng đối đầu, những cuộc tuần hành sục sôi chống Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam đưa ra lời kêu gọi và lập trường nhiều quốc gia Đông Nam Á trước đây vốn làm ngơ hoặc chịu trận trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã thay đổi, bài báo nhận định. 

Vụ việc xảy ra chỉ ít ngày sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, là một bước cản đối với trụ quyền lực của Mỹ trong khu vực, nơi có Nhật Bản và Philippines là hai đồng minh thân cận.

Tuy nhiên tác giả bài báo chỉ ra một nghịch lý là trong khi Việt Nam không hề có một thỏa thuận quốc phòng nào với Mỹ, có chung đường hướng chính trị với Trung Quốc, có quan hệ giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, lại trở thành một "nạn nhân". 

Từ xa xưa dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, Việt Nam đã vùng dậy đáp trả bằng nhiều trận chiến anh dũng để bảo vệ Tổ quốc. 

Trước đây, mặc dù Philippines và Việt Nam vẫn đối đầu Trung Quốc trong các vấn đề trên biển động, và Nhật Bản luôn giữ lập trường cứng rắn khẳng định chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Sensaku, Mỹ và hầu hết quốc gia trên thế giới vẫn chấp nhận “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Nhưng thời thế đã thay đổi, bài báo nhận định. Bộ Quốc phòng Mỹ đã công kích hành động “khiêu khích” của Trung Quốc. 

Khi Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Fang Fenghui đến thăm Washington và khẳng định Trung Quốc sẽ “không lùi bước một phân”, đổ lỗi cho Mỹ khuấy động vấn đề, thì Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thẳng thắn trả lời: “Chúng tôi sẽ đáp trả các lời đe dọa”.

Một mặt, Trung Quốc đề cao quan hệ hòa bình, kêu gọi các nước Đông Nam Á gặp gỡ và bàn bạc về vấn đề. 

Mặt khác, nước này không tuân thủ các thỏa thuận với cộng đồng ASEAN trong việc không xâm chiếm lãnh thổ, cũng chẳng đồng thuận với trọng tài quốc tế nơi Philippines đâm đơn kiện. 

Mọi việc như muốn ngầm gửi đi thông điệp từ phía Trung Quốc: “Tôi lớn, các anh nhỏ, và các anh phải mặt đối mặt riêng lẻ với tôi”, bài báo vạch ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội thảo quốc tế tại Thượng Hải, đã miêu tả lập trường ngoại giao của nước này một cách ngắn gọn: “Ai đi gieo gió sẽ phải gặt bão”.

Trung Quốc đã vứt bỏ “chính sách thân thiện" vài năm về trước và hiện giờ đang lấn át các nước láng giềng, xâm chiếm lãnh thổ của họ. Điều này làm cả thế giới phẫn nộ. 

Một vài giả thuyết đặt ra cho rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách lèo lái đất nước bằng cách đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội tại và làm rấy lên tinh thần ái quốc, bài báo cho biết.

Hiện tại tham nhũng vẫn là một vấn nạn trong bộ máy cầm quyền của Trung Quốc, trong đó có cả quân đội. 

Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại. Giới đầu tư quan ngại về bong bóng bất động sản với hàng chục thành phố ma. 

Ở phía Tây, người Duy Ngô Nhĩ ly khai sử dụng bạo lực khủng bố chính quyền địa phương. 

Nông dân khắp nơi biểu tình phản đối việc xây dựng trên đất nông nghiệp.

Nếu chủ ý của Trung Quốc là đánh lạc hướng dư luận trong nước bằng cách bành trướng bá quyền và quân đội trên vùng Biển Đông, thì việc xảy ra một cuộc đối đầu ngoài tầm kiểm soát sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, Huffington Post lo ngại.

Đối với Việt Nam, bài báo đánh giá tình trạng rượt đuổi của tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam còn có tính chất nguy hiểm hơn những vụ kiện tụng chính trị giữa Philippines và Đại lục. 

Kết lại bài, tác giả khẳng định Trung Quốc vừa ăn cắp vừa la làng khi vừa khiêu khích, lại vừa đổ lỗi cho các quốc gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của họ. Đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ nhận phản đòn. 

Và theo lời ông Dean Reed, Việt Nam mặc dù không “gieo gió”, nhưng sẽ chẳng sợ “gặt bão” nếu phải đối mặt với Trung Quốc.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo