Hung thủ thảm sát Bình Phước vì "chán sống" mà "xin chết"?
Tin tức trên báo Giao thông, sáng 4/4, luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn Luật sư TP HCM, người được chỉ định bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, trú An Giang), kẻ chủ mưu trong vụ thảm sát tại Bình Phước làm 6 người chết gây rúng động dư luận hồi tháng 7/2015 đã xác nhận Nguyễn Hải Dương đã viết đơn xin sớm thi hành án tử.
Ông Bình cho biết, cuối tuần qua, ông đã đến trại giam Công an tỉnh Bình Phước gặp Dương để lấy thông tin chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Tuy nhiên, Dương xác nhận không làm đơn xin ân xá và đã nộp đơn xin thi hành án tử hình sớm vào ngày 30/3. Dương cho biết, mọi lỗi lầm do mình gây ra đã quá rõ ràng như cáo trạng, không gì có thể chối cãi. Do đó, Dương cũng không cung cấp thêm thông tin cho luật sư.
"Dương có vẻ ốm so với trước đây, nét mặt hiện rõ nỗi lo lắng, bồn chồn. Dương nói năng nhỏ nhẹ, chậm rãi. Dương bảo với tôi rằng, em đã viết đơn xin tử hình sớm nhờ cán bộ trại giam chuyển đến Tòa án Cấp cao sắp tới xét xử phúc thẩm nên không cần luật sư bào chữa nữa. Và Dương định từ chối làm việc với tôi. Dương còn e dè nghi ngờ tôi là luật sư phía bị hại đến để gây sức ép, bất lợi cho mình" - luật sư Bình nói trên báo VTC News.
Dương đưa ra lý do "chán sống" là bản thân thấy còn sống ngày nào là còn gây phiền phức cho người khác ngày đó, nhất là thấy mẹ Dương thường xuyên lên xuống thăm nuôi, nên Dương lo tốn kém thời gian, tiền bạc, đi tới lui, quà cáp... của mẹ và gia đình. Tinh thần chán nản, âu lo.
Khi nghe Dương nói vậy, luật sư Bình đã tìm cách phân giải, trò chuyện với Dương: "Con kiến cũng còn muốn sống huống chi con người. Cha mẹ, người thân của bị can từng ngày, từng giờ mong tin về bị can mà sao bị can lại làm như vậy.
Mặc dù, theo tòa sơ thẩm đã phán quyết án tử hình đối với bị can nhưng đứng ở góc độ luật sư, góc độ pháp luật vẫn còn cơ hội để kéo dài sự sống thì tại sao bị can lại muốn chết sớm. Việc làm của bị can là theo ý muốn chủ quan cá nhân, không phải mình muốn chết là chết ngay được, làm gì cũng phải theo quy định pháp luật".
Luật sư Bình cho rằng: "Nguyên tắc của bị can, bị cáo được quyền ghi bất kỳ đơn gì như đơn khiếu nại, đơn gặp mặt luật sư, đơn xin thi hành án sớm... còn việc chấp thuận đơn của cơ quan chức năng, tòa án lại là chuyện khác".
Với sự động viên, phân tích đúng sai và chứng minh mình là luật sư được Tòa án chỉ định, có nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can, bị cáo, luật sư Bình đã dần dần khiến Dương thay đổi thái độ, chấp nhận trò chuyện. Sau đó, Dương đã ký, ghi vào giấy chấp nhận đồng ý chấp thuận cho luật sư Đỗ Hải Bình bào chữa cho mình.
"Qua tiếp xúc làm việc với Dương gần 2 tiếng đồng hồ liền, bằng niềm tin nội tâm tôi cảm giác Dương vẫn còn điều gì đó chưa muốn nói hết ra. Vụ án này có những điều gì đó khuất tất, cần phải làm sáng tỏ ở cấp phúc thẩm" - luật sư Bình nói.
Trước đây, có thông tin Dương viết đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước, luật sư Bình khẳng định, trong hồ sơ của Dương hoàn toàn không có lá đơn này. Xét đến thời điểm hiện tại, bản án sơ thẩm của Dương đã có hiệu lực. Tuy nhiên, do các bị can, bị cáo, bị hại liên quan đã có đơn kháng cáo toàn bộ vụ án cấp sơ thẩm nên vẫn phải xem bản án dành cho Dương chưa có hiệu lực.
Như vậy, tính đến hiện tại, vụ án này đã có ít nhất 6 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị can gồm Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại. Cụ thể, Thoại được 3 luật sư bào chữa (2 luật sư thuê, 1 luật sư được chỉ định); Tiến được 2 luật sư bào chữa (1 thuê, 1 chỉ định) và Dương chỉ có duy nhất 1 luật sư chỉ định bào chữa. Phiên tòa phúc thẩm sắp tới, dự kiến xét xử trong tháng 5/2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo