Hướng đến nền kinh tế xanh
Chiến lược nhằm đưa Việt Nam hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, tiêu chí giảm phát thải và tăng khả năng hấp thu khí nhà kính dần trở thành bắt buộc trong phát triển kinh tế xã hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả bền vững, quan trọng nhất là song hành với việc thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Giai đoạn 2011-2020, cả nước phấn đấu giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8%-10% so với mốc 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1%-1,5%/năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10%-20% so với phương án phát triển bình thường.
Để đạt được mục tiêu đó, xanh hóa trong sản xuất được xem là yếu tố cơ bản nhất, với cơ cấu giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42%-45%, vốn đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3%-4% GDP. Tỉ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%.
Song song đó, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, với mục tiêu cụ thể: tỉ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt 60%, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng đạt 100%, diện tích cây xanh đạt tương ứng chuẩn đô thị… Chiến lược đề ra nhiều giải pháp cụ thể: xây dựng, công bố mức tiêu hao nhiên liệu, lộ trình loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu ra khỏi hệ thống sản xuất. Thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp, giao thông vận tải: chuyển xe buýt, xe taxi sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên nén, khí hóa lỏng.
Đến năm 2017, tất cả các phương tiện cơ giới mới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 45% vào năm 2020. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về các ngành kinh tế, các sản phẩm dán nhãn sinh thái/nhãn xanh.
Phấn đấu đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính ít nhất 1,5%-2%/năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20%-30% so với kế hoạch phát triển bình thường. Định hướng đến năm 2050, giảm mức phát thải khí nhà kính 1,5%- 2%/năm.
Đoàn Huế (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo