Hủy điều khoản ‘cấm quay phim, chụp ảnh CSGT’
CSGT lập biên bản người vi phạm luật giao thông. Ảnh: Nguyễn Dũng
Ngày 23/8, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường bộ, đường sắt (C67, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội – Bộ Công an) đã có Công văn hủy điểm 2 Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 liên quan đến việc ‘cấm công dân và nhà báo quay phim chụp ảnh khi CSGT đang làm nhiệm vụ’.
Theo C67, để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với hành vi chống lại CSGT trong khi làm nhiệm vụ và việc giả danh nhà báo ghi hình CSGT, ngày 26/4/2013, C67 có Công văn số 1042/C67-P3 gửi đồng chí Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PC67) để hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, tại điểm 2 Công văn trên có một số ý chưa chuẩn xác.
Công văn mới ban hành của C67 yêu cầu các PC67 các tỉnh, thành phố trung ương tăng cường phối hợp với cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của CSGT; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng CSGT.
Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì Thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định.
C67 cũng yêu cầu các phòng PC67 tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi chống người thi hành công vụ hoặc các đối tượng giả danh phóng viên báo, đài; báo cáo cấp có thẩm quyền điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 26/4, C67 đã có văn bản gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”.
Trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Mặc dù văn bản nêu trên mục đích nhằm “xử lý” hành vi giả danh nhà báo tuy nhiên, ngôn ngữ trong văn bản thiếu rõ ràng gây khó hiểu hoặc khiến dư luận hiểu nhầm là C67 "cấm công dân và nhà báo chụp ảnh, quay phim CSGT làm nhiệm vụ nếu không được sự cho phép".
Sau khi nội dung văn bản được công bố, dư luận đã có phản ứng quyết liệt với nội dung này. Ngay sau đó, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã vào cuộc và khẳng định văn bản trên "có dấu hiệu trái luật".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
Bộ Y tế: Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào thừa i-ốt
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường