Quốc tế

Hy Lạp bước một chân ra khỏi Eurozone

Những động thái trên chính trường trong thời gian vừa qua đã cho thấy khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone ngày càng gia tăng. Theo các nhà phân tích Citigroup, xác suất cho sự rút lui của Hy Lạp khỏi Eurozone hiện đã lên đến 75%.

Vi phạm “quy tắc vàng”

 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) ngày 2/3/2012, 25/27 nước đã ký bản Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế, được coi là nền tảng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, dẫn tới các gói cứu trợ bắt buộc khổng lồ.

 

Theo Hiệp ước, với “quy tắc vàng” mà các nước EU phải tuân theo là ngân sách thâm hụt không được vượt quá 0,5% GDP. Đối với các nước có mức nợ công thấp, thâm hụt ngân sách không được vượt quá 1% GDP. Tỷ lệ nợ không được vượt quá 60% GDP.

 

Tất cả các nước ký hiệp ước này phải đưa quy định nói trên vào hiến pháp và quá trình này sẽ do Toà án tư pháp châu Âu giám sát. Các nước chậm trễ trong việc sửa đổi hiến pháp có thể bị phạt tới 0,1% GDP và khoản tiền này được chuyển vào Quỹ bình ổn tài chính của EU.

 

EC sẽ theo dõi mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nếu thâm hụt ngân sách của một nước trong năm vượt ngưỡng 3% GDP, một cơ chế điều chỉnh sẽ tự động vận hành, theo đó EC khuyến nghị nước này thực hiện một gói biện pháp bắt buộc để bình ổn tình hình.

 

Tuy nhiên, những số liệu do Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) công bố ngày 23/4 vừa qua thì thâm hụt ngân sách của Hy Lạp năm 2011 vẫn ở mức 9,1% GDP, cao gấp ba lần giới hạn cho phép của EU, trong khi nợ quốc gia đã tăng lên 355,6 tỷ euro, chiếm 165,3% GDP.

 

Chính phủ Hy Lạp dự báo, năm nay, mức thâm hụt ngân sách của nước này có thể sẽ giảm xuống, nhưng vẫn còn 7% GDP, và nợ quốc gia là 145,5% GDP. Sau cuộc bầu cử, khó khăn được dự báo vẫn còn chồng chất trong bối cảnh quốc gia từng được hai lần cứu trợ này đang nỗ lực thoát ra khỏi “khoảng trống” tài chính.

 

Mặc dù vậy, người phát ngôn Ngân hàng Đầu tư châu Âu Helen Kavvadia phủ nhận động thái này là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Đầu tư châu Âu đang chuẩn bị cho việc Hy Lạp cuối cùng sẽ rời khỏi Eurozone.

 

Không chấp nhận “thắt lưng buộc bụng”

 

Ông Alexis Tsipras, 37 tuổi, lãnh đạo chính trị trẻ nhất tại Hy Lạp, đã kêu gọi thủ lĩnh ND và Đảng Xã hội Hy Lạp (PASOK) từ bỏ những cam kết trước đó với các chủ nợ quốc tế, đồng thời cam kết sẽ thành lập một chính phủ liên minh với các đảng cánh tả khác chống các biện pháp khắc khổ cũng như xóa bỏ nhiều luật lao động do các chủ nợ yêu cầu để thúc đẩy cạnh tranh trong nước.

 

Trong diễn văn trình bày kế hoạch thành lập chính phủ, ông Alexis Tsipras cho biết, người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu chống lại chính sách khắc khổ do chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Lucas Papademos đề xuất.

 

Cử tri chính là những người đặt dấu chấm hết cho các kế hoạch nhằm đổi lấy gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro của EU và IMF, vì vậy sự lựa chọn chính trị của ông là hoàn toàn đúng đắn.

 

Theo các nhà phân tích, về mặt lý thuyết, một chính phủ có thể được thành lập chỉ với sự ủng hộ của 120 nghị sĩ, phụ thuộc vào số người có mặt tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, hiện Đảng Cộng sản Hy Lạp (chiếm 26 ghế trong Quốc hội) đã từ chối hợp tác với Syriza.

 

Trong khi đó, giới phân tích có chung nhận định rằng, IMF có thể phải chịu sức ép mới trong việc điều chỉnh các điều khoản cho vay đối với Hy Lạp, và quá trình này có thể rất mất thời gian.

 

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde sẽ phải đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” để thuyết phục các thành viên của định chế tài chính này rằng, IMF sẽ duy trì các điều kiện cho vay nghiêm ngặt không chỉ đối với Hy Lạp, mà cả các nước khác muốn vay tiền trong khu vực Eurozone.

 

Chuyên gia phân tích Dimitris Drakopoulos cho rằng: “Kết quả bầu cử tại Hy Lạp cho thấy một môi trường chính trị rất bất ổn đang tồn tại ở nước này”.

 

Trong khi đó, nhà kinh tế Gillian Edgeworth tại ngân hàng UniCredit nhận định, quá trình đánh giá tiến độ cải cách kinh tế của Hy Lạp do IMF và EU thực hiện nhằm đưa ra quyết định cứu trợ tiếp theo có thể bị trì hoãn, ngay cả khi các chính đảng Hy Lạp có thể đồng lòng thành lập một liên minh cầm quyền mới.

 

Các nhà phân tích Citigroup cho rằng kết quả cuộc bầu cử cho thấy mức độ ủng hộ của công chúng đối với các đảng chính thống đã sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ và chứng tỏ sự phản đối ngày càng cao của công chúng đối với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

 

Rời khỏi Eurozone trong trật tự?

 

Nếu kịch bản này xảy ra, đồng đracma của Hy Lạp sẽ được sử dụng trở lại và đây có thể là một lợi thế đối với Athens. Lĩnh vực du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, đặc biệt là nếu tỷ giá hợp lý và lương có thể gia tăng, qua đó kích cầu tiêu dùng cả trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt.

 

Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cho rằng Bồ Đào Nha và Ireland cũng có thể tái cấu trúc nợ và tiếp bước Hy Lạp rời khỏi Eurozone nhưng cả hai trường hợp này cũng sẽ không gây cú sốc nào đối với thị trường thế giới.

 

Theo nhận định của Roubini, nếu một quốc gia nhỏ như Hy Lạp và Bồ Đào Nha rút lui thì đây là một “cuộc chia ly êm đềm” nhưng nếu Ý hoặc Tây Ban Nha tái cấu trúc nợ hay rút lui khỏi Eurozone thì chắc chắn Eurozone sẽ tan rã. Tuy nhiên, kịch bản này là không thể xảy ra.

 

Jane Foley, một chiến lược gia tiền tệ tại Rabobank cho rằng có nhiều khả năng Hy Lạp sẽ được phép làm theo những gì mà công chúng mong muốn dưới sự kiểm soát của các nước còn lại mà không ảnh hưởng nhiều lắm đến eurozone.

 

Thị trường hiện vẫn lo lắng rằng, nếu một nước rời eurozone và có thể giảm giá đồng nội tệ để lấy lại lợi thế cạnh tranh, các thành viên yếu kém khác cũng sẽ làm theo.

 

Tuy nhiên, theo Citibank, điều này sẽ không xảy ra bởi các nhà hoạch định chính sách và ECB sẽ thực hiện các biện pháp giữ chân các nước còn lại. Khi Hy Lạp tái cơ cấu các khoản nợ lần một, các chủ nợ tư nhân đã phải chịu các khoản lỗ khổng lồ nhưng với sự kiện lần này, thị trường tài chính ít biến động hơn.

 

Bài học nào cho các nhà hoạch định chính sách?

 

Nhà kinh tế trưởng người Mỹ Jason Cummins của Brevan Howard cho rằng: “Từ khi Lehman Brothers sụp đổ đến nay, việc đi ngược với quan điểm của các nhà làm chính sách là một điều sai lầm. Chúng ta phải tin tưởng rằng các nhà làm chính sách luôn hành động vì những mục đích tốt nhất”.

 

Ông cũng lưu ý rằng các nhà làm chính sách đóng vai trò quan trọng trong gói giải cứu ngân hàng của Mỹ, qua đó giúp các điều kiện cải thiện và thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Tương tự tại châu Âu, hoạt động tái cấp vốn dài hạn của ECB đã giúp các ngân hàng nước này đứng vững.

 

Theo ông Cummins, trong các năm tới, chúng ta nên chuẩn bị tâm lý rằng các nhà làm chính sách sẽ áp dụng các biện pháp đúng đắn dù việc thực thi không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Và đối với một số người, vỡ nợ không phải là một kịch bản quá khủng khiếp.

 

Đa số các chuyên gia đều đồng ý rằng tình hình Eurozone sẽ chuyển biến trong một năm nữa. Giám đốc điều hành UBS, Josef Stadler, dự báo Eurozone sẽ không tan rã. Theo ông, cho dù 2 hoặc 3 quốc gia có thể rời Eurozone nhưng vẫn không phải toàn bộ 17 quốc gia của khu vực này.

 

Ông Mohamed El-Erian, Giám đốc điều hành quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới cho rằng, Eurozone sẽ đoàn kết nhưng có thể với quy mô nhỏ hơn. Tại một hội nghị trong tuần trước, ông El-Erian cho rằng Eurozone sẽ mạnh mẽ hơn trong vòng ba đến năm năm tới.

 

Theo ông, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến Tây Ban Nha cần giải quyết nhưng điều đáng mừng là Tây Ban Nha không như Hy Lạp.

 

Như vậy, Hy Lạp lâm vào bế tắc khi các cử tri chán ngán với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, quay lưng phản đối hai chính đảng ủng hộ chương trình cứu trợ quốc tế. Sự kiện này càng làm gia tăng rủi ro buộc Hy Lạp phải tái cơ cấu các khoản nợ lần thứ hai.

 

Các chuyên gia phân tích tiền tệ cho rằng khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone đang hiện hữu, điều này có thể sẽ xảy ra trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

 

 

Theo Nhân Dân

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo