Quốc tế

Hy Lạp loay hoay tìm lời giải cho bài toán nợ công

Ngày mai (6/5), Hy Lạp tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Cử tri Hy Lạp hy vọng sẽ bầu chọn một chính phủ mới có đủ năng lực, giúp A-ten vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công, khôi phục kinh tế và vị thế đất nước.

Thủ tướng Pa-pa-đê-mốt thông báo lý do từ chức là nhằm nhường quyền lãnh đạo đất nước cho một chính phủ mới được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và các chính đảng trong Quốc hội.

 

Với thời gian tạm quyền vỏn vẹn năm tháng (từ tháng 11/2011), Chính phủ của Thủ tướng Pa-pa-đê-mốt được đánh giá là đạt khá nhiều thành tựu, trong đó nổi bật là việc đàm phán thành công với Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô và đạt thỏa thuận hoán đổi 85% nợ với các chủ nợ tư nhân, giúp Hy Lạp cắt giảm 107 tỷ ơ-rô nợ công.

 

Ông Pa-pa-đê-mốt từng là Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), có uy tín và quan hệ rộng với giới tài chính quốc tế, đồng thời có nhiều kinh nghiệm giải các bài toán kinh tế hóc búa. Nhờ đó, Hy Lạp có đủ tiền để kịp thời thanh toán các khoản nợ đáo hạn, góp phần giúp A-ten tránh nguy cơ vỡ nợ và nền kinh tế nước này đã có tín hiệu khả quan.

 

Theo số liệu của Cục Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) công bố cuối tháng 4 vừa qua, thâm hụt ngân sách của nước này đã giảm xuống 9,1% GDP so với mức 15,6% GDP năm 2009 và dự báo có thể xuống 7% cuối năm nay.

 

Dù vẫn cao gấp ba lần mức trần 3% theo quy định của EU, nhưng việc cắt giảm hụt ngân sách đã chứng tỏ hiệu quả bước đầu của các chính sách "thắt lưng, buộc bụng" của A-ten. Nợ công Hy Lạp vẫn cao "ngất ngưởng" 165,3% GDP (tương đương 355,6 tỷ ơ-rô), nhưng có thể giảm xuống mức 145,5% GDP năm 2012.

 

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Pa-pa-đê-mốt xin từ chức không khỏi các nhà lãnh đạo EU lo ngại về tình hình kinh tế của Hy Lạp.

 

Cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp được dư luận quốc tế, nhất là EU và IMF đặc biệt quan tâm. Bởi, nếu Hy Lạp có một chính phủ mới đủ uy tín và năng lực điều hành đất nước, sẽ giúp A-ten vượt qua "cơn bão" nợ công và đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

 

Trong trường hợp Hy Lạp, vốn bị coi là "mắt xích" yếu nhất Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), thoát ra được khỏi cơn "bĩ cực" này sẽ tạo động lực cho các nền kinh tế khác trong EU vượt qua khó khăn trước mắt. Liệu "xứ sở các vị thần", có tạo ra một sự đổi thay tích cực sau bầu cử Quốc hội trước thời hạn vẫn là một câu hỏi lớn.

 

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội (Pasok), hai chính đảng trong liên minh cầm quyền vừa từ chức, đã không còn sụt giảm mạnh như trước đây. Ðảng Dân chủ Mới nhận được 19% số ý kiến ủng hộ, Pasok được 14,5%.

 

Trong khi đó, tỷ lệ cử tri ủng hộ các đảng đối lập ngày càng tăng: Khối cực tả (Siriza) được 13%, Lực lượng Dân chủ cánh tả 12%, đảng Cộng sản Hy Lạp 11%, được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị ở Hy Lạp. Giới phân tích chính trị đánh giá, hai đảng lớn Dân chủ Mới và Pasok vẫn có nhiều cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, nhưng nhiều khả năng sẽ phải liên minh với một số đảng khác để thành lập chính phủ liên hiệp.

 

Song dù đảng nào giành chiến thắng cũng sẽ phải tiến hành kế hoạch cắt giảm chi tiêu bổ sung trị giá 11 tỷ ơ-rô (tương đương 5,5% GDP) giai đoạn 2013 - 2014, gồm tăng thuế thu nhập, giảm lương và trợ cấp hưu trí, thất nghiệp; tiếp tục củng cố hệ thống tài chính-ngân hàng, nhằm khôi phục hoạt động của các thể chế tài chính công.

 

Nhưng các biện pháp này đã và đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của giới lao động và những người hưởng trợ cấp xã hội.

 

Mối quan tâm hàng đầu của cử tri Hy Lạp hiện nay không phải là đảng phái nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội, mà là chính phủ mới sẽ hoạt động hiệu quả thế nào, có đóng góp tích cực gì cho công cuộc đối phó khủng hoảng nợ công, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và bảo đảm vị trí vững chắc của Hy Lạp trong Eurozone.

 

 

Theo Nhân Dân

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo