Indonesia, Malaysia, Philippines hợp tác tuần tra chung ở Biển Đông
Theo đó, ba nước này đã đồng ý cho phép lực lượng kiểm soát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền khả nghi trong các vùng biển của nhau, nhằm đối phó với những hoạt động bắt cóc con tin của Phiến quân hồi giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng ba nước đã có cuộc gặp gỡ lần thứ 3 kể từ tháng 5/2016, nhằm định hình kế hoạch tuần tra chung trong vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam của Philippines. Quyết định được thống nhất trong cuộc họp giữa các quan chức dân sự và quân sự của ba nước, do Indonesia chủ trì ở thành phố Yogyakarta. Các nước này đều có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Hiện ba nước này cũng đang thảo luận về thỏa thuận nhằm cho phép lực lượng an ninh của nhau được phép tiến hành các hoạt động tuần tra dọc đường biên giới đất liền.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra đề xuất về các hoạt động tuần tra chung vào cuối tháng 4/2016. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, ba nước vẫn đang thảo luận về những vấn đề này vì còn một số trở ngại về mặt thể chế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu cho rằng mục đích của hoạt động tuần tra không chỉ nhằm đấu tranh với lực lượng phiến quân mà còn nhằm vào các loại tội phạm khác như buôn bán ma túy, buôn người…
Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng các cuộc tuần tra sẽ giúp tăng cường lợi ích biển của Đông Nam Á, trong đó có các khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông.
Cuộc gặp ba bên diễn ra sau các vụ bắt cóc ở vùng biển ngoài khơi phía nam Philippines và phía bắc Borneo, nơi Indonesia chia sẻ đường biên giới với Malaysia.
Trong 5 tuần qua, 14 thủy thủ Indonesia, 4 thủy thủ Malaysia bị các tay súng bắt cóc khỏi tàu. Chúng được cho là có quan hệ với nhóm khủng bố Abu Sayyaf. 10 người Indonesia bị bắt hồi cuối tháng ba được thả hôm 1/5 và đã trở về nhà. Malaysia cho rằng cần xử lý nguyên nhân gốc rễ khiến số vụ bắt cóc gia tăng, đó là tình trạng bất ổn ở phía nam Philippines, thành trì của Abu Sayyaf.
End of content
Không có tin nào tiếp theo