Quốc tế

Iran 'nóng lòng' ngỏ ý muốn mua thêm tổ hợp tên lửa S-300

(DNVN) - Chưa nhận được lô S-300 đầu tiên do trục trặc thanh toán, Iran đã muốn đàm phán mua thêm các hệ thống tên lửa phòng không này.

Iran muốn mua thêm các lô hệ thống tên lửa phòng không S-300, các đơn hàng bổ sung sẽ được Moskva và Tehran đàm phán, Interfax dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga về vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự Vladimir Kozhin cho biết hôm 20/2/2016.

Bình luận việc thực hiện hợp đồng bán S-300 cho Iran ký trước đó, ông Kozhin nói rằng, hợp đồng đang được thực hiện: “Hợp đồng đã đang được thực hiện, đang tiến hành việc thanh toán cho hợp đồng. Chúng tôi tuân thủ đúng thủ tục hợp đồng... Lô hàng đầu tiên của hệ thống này đã sẵn sàng. Hiện giờ đang diễn ra các thủ tục kỹ thuật”.

Iran muốn mua thêm tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga.

Ngày 18/2/2016, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov thông báo, thời hạn chính xác chuyển giao S-300 sang Iran chưa thể xác định do có vấn đề về thanh toán hợp đồng. “Thời hạn đó hiện chưa có vì có vấn đề liên quan đến việc thanh toán và các vấn đề khác. Hiện giờ, thương vụ còn chưa được thanh toán như quy định nên nói về thời hạn cụ thể là quá sớm”, ông Peskov nói.

Tháng 12/2015, có tin Nga sẽ bắt đầu chuyển giao S-300PMU-2 cho Iran trong tháng 1/2016. Trung đoàn S-300PMU-2 thứ hai sẽ được bàn giao vào tháng 8-9/2016.

Tháng 4/2015, Tổng thống Vladimir Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp S-300 cho Iran vốn bị cựu Tổng thống Nga Dmitri Medvedev áp đặt vào tháng 9/2010 khiến cho hợp đồng bán cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1 ký năm 2007 trị giá gần 800 triệu USD bị đình chỉ ở giai đoạn xếp hàng đã sản xuất hoàn chỉnh.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 Favorit là biến thể xuất khẩu của S-300PM1 dành cho quân đội Nga, được phát triển xong vào năm 1997. Đây là biến thể hiện đại hóa của hệ thống S-300PMU-1 (S-300PM) với tầm bắn tối đa tăng từ 150 lên 195 km và tên lửa mới 48N6E2. Hệ thống cho phép tiêu diệt tên lửa đường đạn bay với tốc độ đến 2,8 km/s ở cự ly đến 40 km.

Hệ thống đã được bán cho Trung Quốc (khách hàng đầu tiên), Algeria và Azerbaijan; từng được dự kiến bán cho Syria, nhưng sau đó tiền đặt cọc cho hợp đồng này đã được chi để mua vũ khí, đạn dược lục quân. Nền tảng công nghệ của các hệ thống S-300 dự kiến bán cho Syria được sử dụng để thực hiện hợp đồng với Iran.

 

Nên đọc


Tùng Bách (Theo Lenta)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo