Kè sông Mã vừa lát xong đã sụt lún
Mái kè thuộc tuyến đê tả sông Mã đoạn gần trạm bơm Đồng Hàn, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) mới được lát xong, chưa nghiệm thu nhưng đã bị sụt lún nghiêm trọng ở nhiều vị trí. Có điểm sụt sâu tới khoảng 1,5m, khiến hàng trăm tấm bêtông lát mặt kè bị xô đẩy lệch vị trí. Đây là gói thầu do Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (Ninh Bình) thi công.
Sụt lún nghiêm trọng
Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động ngày 2.2, tại hiện trường cho thấy, toàn bộ mái kè kéo dài từ phía trạm bơm Đồng Hàn về sau có chiều dài khoảng 100m bị xé toang hoang. Ngay ở phần mái lát sát mặt đường giao thông từng khối bêtông bị tách rời rạc với chiều dài lên tới 10m. Các khối bêtông bị đứt gãy và tụt sâu xuống lòng đất. Có điểm, nền bị tụt sâu khoảng 30-50cm. Các khối bêtông kết dính bị đứt gãy ở nhiều điểm.
Chất liệu bêtông rất mềm, có thể dùng tay bẻ gãy thành nhiều mảnh nhỏ. Phần mặt đường phía trên mái kè cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn tách rời và lún sâu xuống lòng đất. Về kỹ thuật, mặt mái kè phải phẳng, song trong diện tích khoảng 100m2 bị võng xuống nhiều kiểu nhấp nhô.
Ông Lê Văn Biếc - Trưởng thôn Trà La, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa - cho biết: Hiện tượng sụt lún nêu trên được người dân đi làm đồng phát hiện từ ngày 30.1 và báo cáo lên UBND xã. Bà con rất lo lắng về mặt chất lượng của công trình trị giá hàng chục tỉ đồng nhằm gia cố mái đê để chống sạt lở nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, hàng chục vết lún sụt lại càng xuất hiện nhiều hơn và lún sâu hơn. “Thực tế tại hiện trường, công trình tuy chưa bàn giao nhưng mái kè đã bị hư hỏng. Người dân chúng tôi không biết họ đổ bêtông mác bao nhiêu. Song thực tế hiện nay, các khối bêtông thi công trước đó nhiều ngày nhưng vẫn có thể dùng tay bẻ ra, bóp vỡ, hỏi làm sao người dân được thụ hưởng từ công trình này yên tâm được?” - ông Biếc nói.
Sẽ khắc phục
Theo bản thiết kế mặt cắt ngang chi tiết đoạn mái đê bị sụt lún nêu trên do ông Ngô Văn Chiến - Chỉ huy công trường của Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (TĐ Cường Thịnh Thi) - cung cấp cho thấy, công trình kè này có kết cấu mái đê gia cố bằng đá hộc lát khan trên lớp đá dăm đệm. Chân đê gia cố bằng đá hộc thả rối; mặt trên là đá hộc lát khan. Tuy nhiên tại các vị trí bị sụt lún, theo quan sát của chúng tôi cho thấy chỉ có một lớp đá dăm mỏng mà không thấy có lớp đá hộc lát khan ở phía trên!
Giải thích về hiện tượng sụt lún nêu trên, ông Ngô Văn Chiến khẳng định, trong hồ sơ thiết kế chỉ có đào mái tạo mặt phẳng rồi lát tấm bêtông, không có việc phải đào, đắp bằng đất k95 (có độ kết dính cao). “Chúng tôi thi công vào mùa khô nên không lường hết được hiện tượng sụt lún. Hơn thế, trong những ngày gần đây, người dân địa phương bơm nước cấy lúa nên nước từ trên đồng chảy xuống làm rỗng chân mái kè dẫn tới hiện tượng sụt lún. Về việc bêtông mềm, bẻ được là do mới đổ được một tuần... nên chưa chết hẳn?” - ông Chiến nhận định.
Trong khi đó, ông Lương Quốc Toán - đại diện đơn vị giám sát - cho biết: Sau khi phát hiện mái đê bị sụt lún, bên giám sát đã lập biên bản yêu cầu nhà thầu sửa chữa. Bởi quá trình thi công, chưa bàn giao nên buộc phải thi công lại những đoạn bị sụt lún. Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị cho xem biên bản hiện trường, ông Toán không thể xuất trình được mà hẹn 2-3 ngày sau sẽ cung cấp! Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Khánh - phản ánh: “Tuyến kè thi công để người dân hưởng lợi nhưng địa phương không được tham gia giám sát”.
Ông Hồng nói: “Riêng sự việc nói trên, xã đã báo cáo lên chủ đầu tư là UBND huyện. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, tôi có nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ bà con là Tập đoàn Cường Thịnh Thi dùng đất pha cát san nền, thậm chí có lẫn cả bùn. Chính vì vậy khi nghiệm thu công trình, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm định kỹ càng những điểm mà nhân dân cho rằng không đảm bảo chất lượng”.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo