Cục Quản lý cạnh tranh (VCA), Bộ Công thương đã chưa phát hiện được các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, MobiFone và VinaPhone trong đợt điều chỉnh tăng giá cước từ ngày 16/10/2013 vừa qua.
Trong thông cáo báo chí được VCA đăng tải công khai cho thấy, cả hai vấn đề về dấu hiệu cấu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 doanh nghiệp, vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh về thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp và gián tiếp và câu chuyện lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường, áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý, gây thiệt hai cho khách hàng, vi phạm khoản 2, Điều 13, Luật Cạnh tranh đều có không cơ sở.
Kết luận này có thể gây thất vọng lớn cho các thuê bao đang sử dụng các mang di động này, bởi họ sẽ phải nghiến răng mở thêm ví để chi trả cho các dịch vụ 3G so với trước đây bởi không có con đường nào khác.
Theo VCA, đợt điều chỉnh giá từ ngày 16/10/2013 của 3 đại gia là Viettel, MobiFone, VinaPhone là thực hiện theo chủ tương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông nêu tại Quyết định số 32/2013/QĐ-TTg và theo yêu cầu tuân thủ pháp luật về giá cước dịch vụ viễn thông của cơ quan quản lý nhà nước.
Quá trình thực hiện điều chỉnh, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký giá cước riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm áp dụng giá cước mới của từng doanh nghiệp là có sự khác biệt.
Việc điều chỉnh giá cước của các doanh nghiệp sau khi được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận vào ngày 4/10/2013, đã được thực hiện ở các thời điểm khác nhau.
Phương án điều chỉnh giá cước 3G của các doanh nghiệp cũng được VCA cho là có nhiều điểm khác biệt.
Việc 3 doanh nghiệp cùng điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10 cũng được cho là do chu kỳ tính cước và vận hành hệ thống kỹ thuật là giống nhau, bởi cùng tính từ ngày đầu tháng hay giữa tháng.
Việc 3 doanh nghiệp cùng điều chỉnh một số gói cước cùng mức tăng, theo Cục Viễn thông là dựa trên các gói cước thông dụng và phương án điều chỉnh điều chỉnh giá cước đã được phê duyệt.
Bởi vậy, VCA cho rằng, chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết, bắt tay hay thỏa thuận giữa 3 ông lớn trong điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013.
Đối với vấn đề lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá bán dịch vụ bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng, việc xác minh của VCA cũng không mang lại kết quả như người tiêu dùng chờ đợi.
Mặc dù mức độ tăng giá cước vừa qua, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông là 20% so với mức trước đó, vượt quá mức 5% theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 27, Nghị định 116/2005/NĐ-CP.
Tuy nhiện VCA cho rằng, dù có là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường dịch vụ dữ liệu 3G nhưng mức độ tăng giá cước này là theo chủ trương được đưa ra tại quyết định 32/2012/QĐ-TTg và đã được cơ quan hữu trách phê duyệt.
Cũng theo báo cáo của 3 đại gia Viettel, MobiFone, VinaPhone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận, giá thành dịch vụ dữ liệu 3G của 3 doanh nghiệp trên giảm hơn so với giá thành thực tế năm 2012. Nghĩa là không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất dịch vụ dự liệu 3G vượt quá mức 5% theo quy định.
Ở tiêu chí quan hệ cung cầu, VCA căn cứ theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6/11/2013, tính tới tháng 9/2013, số thuê bao dịch vụ dữ liệu đã tăng mạnh với tổng số thuê báo của 3 doanh nghiệp liên quan đạt 18,9 triệu thuê báo, đồng thời dung lương cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới.
Bởi vậy VCA cũng kết luận rằng, chưa đủ cơ sở để coi việc tăng giá cước của 3 đại gia trên là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng theo quy định của luật cạnh tranh.
Báo Đầu Tư