Kết luận vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Đúng nhưng chưa “trúng”
Chiều 7/2, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp và đưa ra những biện pháp xử lý xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, trú tại xã Bắc Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng, được giao sử dụng đất tại bãi ngoài, Nam cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Vụ việc đang xảy ra ở Tiên Lãng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó phải nói đến cách ứng xử giữa chính quyền huyện Tiên Lãng và người dân. Hành vi vi phạm pháp luật của người nhà ông Vươn đã rõ. Tuy nhiên, dư luận đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cấp chính quyền TP Hải Phòng trong vụ việc này. Chính vì vậy, những kết luận được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng công bố sau hơn một tháng sự việc diễn ra được giới truyền thông và dư luận rất chờ đợi.
Điều đầu tiên cần khẳng định rằng chủ trương và biện pháp xử lý ban đầu của TP Hải Phòng được dư luận hoan nghênh. Trong đó phải đề cập đến quyết định đình chỉ công tác Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền và Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh và kiểm điểm một số cá nhân, tập thể có trách nhiệm trong vụ việc ở Tiên Lãng.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cần làm rõ, có thể thấy kết luận của TP Hải Phòng vẫn chưa thỏa đáng, dù thời gian thẩm tra, điều tra làm rõ đã hơn một tháng.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ thành phố Hải Phòng phải họp, phân tích và thống nhất quan điểm về vụ việc ở Tiên Lãng để làm rõ 3 nội dung: Việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, trong quy định của pháp luật khi nào sử dụng cưỡng chế và cách tiến hành cưỡng chế có đúng không? Cuối cùng là việc tài sản như ao cá, nhà của ông Vươn bị phá huỷ, ai có chủ trương và chỉ đạo của ai, cấp nào?
Tuy nhiên, theo nội dung được công bố trong cuộc họp chiều 7/2, chỉ có một trong ba nội dung trên được đề cập tương đối cụ thể, đó là việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của huyện Tiên Lãng.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng khẳng định, căn cứ quy định của luật, việc tổ chức cưỡng chế và bảo vệ các nhà thầu thi công ở các địa phương trong cả nước đối với các dự án khi có quyết định thu hồi đất, sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất nhưng chủ sử dụng đất cố tình không chấp hành và có hành vi chống đối là cần thiết. Tuy nhiên, huyện Tiên Lãng đã chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai nên để xảy ra chống đối người thi hành công vụ.
Theo đó, huyện Tiên Lãng không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi của cơ quan có thẩm quyền để công bố công khai đối với người có đất bị thu hồi; Không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi; Không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi của người ký quyết định cưỡng chế thu hồi; Sau cưỡng chế để xảy ra việc nhà trông đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy; Việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm không hợp lý, gây phản ứng trong dư luận nhân dân.
Về yêu cầu làm rõ việc giao đất, thu hồi đất đúng, sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cơ quan nào, TP Hải Phòng chưa có kết luận gì và cho biết đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo theo quy định; chỉ đạo xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân có sai phạm.
Do nội dung này chưa được làm rõ, nên việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không, vẫn chưa thấy nêu trong cuộc họp trên, và có thể sẽ phải chờ đến cuộc làm việc giữa Thủ tướng với TP Hải Phòng tới đây. Bởi nếu không có sự khẳng định về mức độ đúng sai trong việc giao và thu hồi đất, thì cơ sở để huyện Tiên Lãng quyết định cưỡng chế cũng khó mà xác định.
Một vấn đề nữa cũng khiến dư luận quan tâm nhiều là tài sản như ao cá, nhà của ông Vươn bị phá huỷ, ai có chủ trương và chỉ đạo của ai, cấp nào, vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía TP Hải Phòng. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng mới chỉ giao Công an thành phố khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án phá “nhà trông đầm” của ông Vươn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, huyện Tiên Lãng trước đó vẫn khẳng định không có chủ trương hay tham gia vào việc phá nhà ông Vươn. Còn phát ngôn của đại diện TP Hải Phòng cho rằng dân bức xúc phá nhà đã được Thường vụ Thành ủy khẳng định là phát ngôn “chưa chính xác” và người phát ngôn đã “rút kinh nghiệm”.
Trên thực tế, ngay sau khi cưỡng chế, huyện Tiên Lãng đã bàn giao diện tích cưỡng chế lại cho xã Vinh Quang quản lý. Do vậy, dù lực lượng nào, người nào tham gia phá nhà ông Vươn thì trách nhiệm của chính quyền xã Vinh Quang là khó tránh khỏi.
Như vậy, 2/3 nội dung theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được làm rõ sau cuộc họp ở Hải Phòng chiều 7/2. Hy vọng, cuộc họp tới, dư luận sẽ được nghe những kết luận thỏa đáng về vụ việc./.
Theo N.T
VOV online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất