Kết thúc kỳ thi đại học: Thành công nổi bật là đề thi
Khẳng định trên được Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đưa ra trong cuộc họp báo tổng kết kỳ thi đại học ngày 10.7. Cho rằng kỳ thi đã thành công trên mọi bình diện, nhưng rõ nét nhất vẫn là sự đổi mới cấu trúc ra đề thi, mang đến cục diện mới cho cả kỳ thi. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đưa ra nhiều thông tin liên quan đến kỳ thi quốc gia chung sắp được diễn ra.
Đề mở, đáp án cũng sẽ mở
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GDĐT đã ban hành sớm những văn bản để hướng dẫn công tác tổ chức thi ĐH, CĐ. Các trường vì thế đã chủ động chuẩn bị, việc tổ chức thi thuận lợi hơn mọi năm. Tỉ lệ thí sinh ảo chỉ trung bình 1,7 hồ sơ, giảm so với mọi năm là 2 hồ sơ - Thứ trưởng Ga nói. Và đề thi là thành công nổi bật, ông Bùi Văn Ga cho hay, việc này được Bộ GDĐT chỉ đạo Ban đề thi cần đổi mới việc ra đề theo phương thức đã làm với kỳ thi tốt nghiệp THPT: Không buộc học sinh học thuộc, nhớ kiến thức máy móc, tăng cường kiểm tra năng lực, tư duy. Một số môn được đánh giá cao về chất lượng ra đề như sử, địa, tiếng Anh đã lồng ghép các vấn đề thời sự như biển đảo, cử nhân thất nghiệp...
Đánh giá về đề thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) - cho hay, so với đề thi tốt nghiệp, đề thi ĐH có mức độ khó hơn, phân hóa cao hơn, và không quá sức với học sinh bởi nội dung đều nằm trong chương trình học của các em. “Xây dựng đề thi là có căn cứ khoa học, đáp ứng được các thang bậc nhận thức theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Việc phân hóa thì phải đạt ở mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao. Đề thi cần phải có những yếu tố này” – ông Trinh nói. Về đáp án cho đề thi mở, ông Mai Văn Trinh cho biết, đáp án cũng sẽ mở, trong đó thí sinh phải truyền tải được ý tưởng phù hợp với thuần phong mỹ tục sẽ được tính điểm. Thí sinh nào trình bày logic, trong sáng, chặt chẽ thì điểm có thể cao hơn.
Kỳ thi chung không tước quyền tự chủ của các trường
Trước câu hỏi của Lao Động về việc các trường vẫn mặn mà với kỳ thi “ba chung”, đồng thời sẽ tiếp tục theo đuổi kỳ thi này cho đến lúc nào Bộ vẫn còn chủ trương, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Tôi rất hiểu tâm tư nguyện vọng của các trường. Nếu tiếp tục “ba chung” thì tuy có lợi trước mắt, giảm tải áp lực nhưng không duy trì được sự tự chủ của các trường. Nếu giữ mãi “ba chung” thì các trường rất bị động, mất đi quyền tự chủ”. Nhưng dù thi riêng hay thi chung như trước thì chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố đầu tiên để các trường xem xét tuyển lựa đầu vào.
Ông Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, kỳ thi quốc gia chung sẽ không chồng chéo với phương án tuyển sinh riêng của các trường. Trường nào có nhu cầu đặc thù thì có thể thêm các hình thức phỏng vấn, có bài thi riêng một số môn và kỹ năng... Về thời gian áp dụng kỳ này, ông Bùi Văn Ga cho hay, chưa có mốc thời gian cụ thể, lúc nào đề án thật sự chín muồi thì sẽ triển khai, nhưng dù sớm hay muộn, đây vẫn là phương án duy nhất trong lộ trình đổi mới thi cử theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Cột tin quảng cáo