Khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản bị nước ngoài trả về
Ngành thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong 20 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng nhanh với mức tăng bình quân gần 15%/năm, từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995 lên 8,3 tỷ USD năm 2017. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã góp phần vào quá trình tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung.
Trong thời gian qua, tình hình các lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm những vẫn ở mức cao, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, làm giảm hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và tác động tiêu cực đến đời sống của ngư dân và người nuôi trồng thủy sản.
Để xử lý dứt điểm vấn đề các lô hàng thủy sản bị cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định tại các thị trường nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Loại bỏ sản phẩm kém chất lượng, không an toàn
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Đồng thời quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú ý, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất giống thủy sản để chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng; vận động, hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp áp dụng biện pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó tổ chức phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật quy định của thị trường nhập khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nuôi, sơ chế, chế biến thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; tổ chức giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu để sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị lạm dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, mua bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm) trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình bảo quản thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tích cực đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương, ký kết các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác, công nhận lẫn nhau với nước nhập khẩu, tạo cơ chế xử lý kịp thời vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong y tế nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; rà soát, cập nhật quy định về mức giới hạn tối đa cho phép tồn dư thuốc thú y, hóa chất trong thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phù hợp với hướng dẫn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường và thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành.
Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cập nhật thông tin, thông báo cho doanh nghiệp về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm dịch, điều kiện nhập khẩu của các nước đối với hàng thủy sản.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở nuôi, cơ sở thu gom, sơ chế thủy sản áp dụng quy trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu thủy sản đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc thú y thủy sản theo đúng quy định và không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu để phòng trị bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo