Khách Việt bị ép mua 'bia kèm lạc' với các mẫu xe hot thế nào?
Thị trường ôtô Việt Nam từ đầu năm 2018 đến nay có nhiều thay đổi do Nghị Định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Theo đó, từ đầu năm, số lượng xe nhập khẩu được về rất ít, chỉ sôi động lại trong khoảng 1 tháng trở lại đây.
Tận dụng cơ hội này một số đại lý xe của các hãng đã "dùng chiêu" cho phép khách hàng đặt cọc xe kèm theo các phụ kiện để nhận xe sớm hơn, chiêu này còn được nhiều người gọi là mua "bia kèm lạc".
Nổi bật là khoảng tháng 4, tháng 5 khi Honda CR-V mới về thị trường Việt Nam, một số đại lý Honda đã dùng chiêu báo cho khách hàng mua thêm phụ kiện để nhận xe ngay. Dạo quanh một số nhóm về Honda CR-V, có thể thấy nhiều người bình luận rất thẳng thắn về hiện tượng "bia kèm lạc" này.
Một khách hàng đặt mua Honda CR-V tại một đại lý ở Hà Nội cho biết đã được gọi điện và có thêm điều khoản mua kèm phụ kiện. "Đại lý ôtô gọi điện và làm việc rất nhanh gọn nhưng trong cái nhanh và gọn đó họ lại thêm điều khoản mua kèm phụ kiện theo xe nữa".
Một khách hàng khác đã khẳng định chắc nịch từ đầu nếu bị đại lý yêu cầu mua kèm phụ kiện sẽ không đặt mua nữa. "Bản thân tôi rất ghét cái này, đợt tới lấy xe mà họ kèm điều kiện mua phụ kiện chắc tôi nghỉ luôn. Không phải vì tiền mà vì cảm thấy mình không được tôn trọng".
"Trong số mọi người chắc có nhiều người đặt xe và được hẹn giao xe trong tháng 5 hoặc tháng 6. Nếu ai chưa có lịch nhận xe có nghĩa đại lý đã ưu tiên cho những người chịu bỏ tiền phụ kiện", một thành viên hội CR-VClubVN bày tỏ.
Tình trạng của các đại lý bán Honda đã xảy ra cách đây vài tháng và hiện giờ cũng ít trường hợp phản ánh hơn, nhưng nên nhớ, trước đây khi chưa có "độ hot", Honda CR-V rất hiếm xuất hiện tình trạng bán theo kiểu "bia kèm lạc".
Không những các đại lý ép khách hàng mua kèm phụ kiện đối với các mẫu xe nhập khẩu thành công mà đối với cả mẫu xe chưa nhập về được. Đó là trường hợp khá kỳ lạ của một số đại lý Ford vào cuối tháng 5 khi mẫu xe này cực khan hàng và chưa thể đưa về chiếc nào.
Thành viên quanghuy30784 của diễn đàn Otofun đã bình luận về câu chuyện khi đi xem Ford Ranger tại một đại lý Ford và phải mua thêm phụ kiện 95 triệu mới có xe.
"Hôm nay tôi qua đại lý Ford ở Thái Nguyên xem xe Ranger XLS AT, giá niêm yết 685 nhưng bắt mua thêm phụ kiện 95 triệu mới bán xe".
Tiếp đó, thành viên dunghn trả lời ngay "Dưới Hà Nội mức giá là 68 triệu cộng thêm 85 triệu phụ kiện nhé".
Những tưởng tình hình sẽ dịu đi và khách hàng sẽ đợi thêm 1 thời gian khi các hãng ôtô đưa thêm nhiều xe về Việt Nam hơn, tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng gần đây, tình trạng này lại tiếp tục với mẫu xe cực "hot" Toyota Fortuner.
Ngay từ khi Toyota chưa cập nhật bảng giá mới cho mẫu SUV của họ, các đại lý đã cho đặt hàng kèm theo điều kiện phải mua thêm phụ kiện.
Từ giữa tháng 5, trên diễn đàn otofun, thành viên Tungcf đã có bình luận về việc nhân viên kinh doanh đại lý báo giá xe Toyota Fortuner với mức giá cao và bắt buộc lắp phụ kiện.
"Tôi vừa đọc trên nhóm Hội Fortuner có bạn sale rao nhận cọc Fortuner Diesel AT 2018 giao xe dự kiến trong tháng 8 ... Tôi hỏi chi tiết như nào bạn ấy 'inbox' với nội dung giá xe tạm tính: 1 tỷ 150. Khi xe có giá chính thức cao hơn 1 tỷ 150 thì 2 bên đàm phán, người mua có quyền nhận lại cọc nếu không muốn lấy xe. Nếu giá dưới 1 tỷ 150 khách phải mua, không mua đại lý không trả cọc. Thời gian giao hàng: dự kiến tháng 9-10/2018. Yêu cầu lắp gói phụ kiện 60 triệu".
Tiếp đó, thành viên myeclipse25 đã có bình luận cho rằng điều này bình thường, quyết định là ở người mua: "Tôi thấy bình thường chứ có gì đâu, hãng không bán chênh giá, giá cao thì cho anh lựa chọn rút, giá thấp thì anh phải lấy vì đã là 'cọc'. Còn phụ kiện thì mẫu xe nào hot chả thế."
Còn thành viên AZ xedap đã có bình luận khuyên người dùng nên tiêu tiền đúng chỗ: "Tiền không dễ kiếm và người Việt thu nhập rất thấp, giá ôtô lên đến tiền tỉ thì đúng là 1 tài sản lớn. Tôi nghĩ mình nên chọn lựa mẫu xe có giá gần giá trị thật cho đỡ thiệt thòi. Không ở đâu bán xe ôtô dễ như Việt Nam mình, mua xe không có xe để xem, giá thì tạm tính, thời điểm giao xe thì không chắc".
Đây là một tình trạng không mới, hiện tượng "bia kèm lạc" đã xảy ra nhiều lần nhưng chỉ với một vài mẫu xe "hot". Tuy nhiên, năm nay, với điều kiện nhập khẩu khó khăn, hiện tượng này phổ biến với nhiều mẫu xe của các hãng khác nhau. Để ngăn chặn tình trạng này, có lẽ phải cần đến sự chung tay, góp sức của toàn bộ các khách hàng có ý định đặt mua xe ngay từ bây giờ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm