Khai mạc Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á
Được tổ chức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thị trường tài chính đang chứng kiến nhiều biến động và thay đổi sâu sắc, Hội nghị là nơi hội tụ các nhà lãnh đạo các cơ quan giám sát tài chính, cơ quan hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng khu vực Đông Á, các tổ chức tài chính quốc tế cùng các chuyên gia cao cấp từ khu vực châu Âu, Bắc Mỹ… cập nhập và trao đổi thông tin về những diễn biến của kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế.
Hội nghị đánh giá tính ổn định và bền vững của thị trường tài chính khu vực Đông Á bao gồm khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực an toàn, chính sách thận trọng; giám sát và điều phối giám sát; khả năng phản ứng trước những biến động từ bên ngoài; sự cần thiết cũng như cơ chế phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát tài chính trong môi trường đầy biến động và thách thức…
Hội nghị là kênh hữu ích để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường tính minh bạch, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á với chủ đề thiết thực và rất có ý nghĩa cả đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Thủ tướng cho biết, đây cũng là hội nghị quốc tế lần đầu tiên về ổn định tài chính và giám sát vĩ mô tổ chức tại Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam tiềm ẩn nhiều bất ổn, việc nỗ lực tổ chức Hội nghị này là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc, tạo tiền đề duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mấy thập kỷ qua, các quốc gia Đông Á đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, trong liên kết nội khối cũng như trong hội nhập với kinh tế thế giới.
Những thành tựu đó đã làm cho Đông Á thực sự đóng vai trò động lực quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu. Quá trình liên kết, hội nhập sâu trong lĩnh vực tài chính, tăng cường liên kết chính sách kinh tế vĩ mô đã góp phần quan trọng để mỗi quốc gia Đông Á khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính trước đây và giảm nhẹ tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay.
Trong quá trình này, nhiều nền kinh tế đã thực hiện cải cách toàn diện và sâu sắc hệ thống thể chế tài chính, đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính và đề cao vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế nhằm vận dụng tối đa các kinh nghiệm và phát huy hiệu quả các giải pháp triển khai, giúp củng cố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như tạo ra nhiều thay đổi về diện mạo và cấu trúc hệ thống tài chính thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ đồng quan điểm với đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu và tổ chức tài chính quốc tế cho rằng, những hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, những diễn biến phức tạp hiện nay trên thị trường tài chính thế giới đang đặt hệ thống tài chính khu vực Đông Á trước không ít rủi ro, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách tài chính, các cơ quan giám sát phải tiếp tục lộ trình cải cách, tăng cường phối hợp chính sách và giám sát thị trường tài chính hiệu quả để xây dựng một hệ thống tài chính Đông Á an toàn hơn, bền vững hơn.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng sự nỗ lực to lớn của nhân dân cả nước, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế, đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: Đất nước Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao; đ ời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt …
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, n hững thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh tế phát triển chưa thật bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu, cản trở sự phát triển;...
Bước vào giai đoạn phát triển mới, hiện nay Việt Nam đang thực hiện chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững đất nước; phấn đấu xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung vào cơ cấu lại sản xuất dịch vụ, cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính tín dụng, điều chỉnh chiến lược thị trường theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế .
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị lần này, với sự tham dự đông đảo của gần 400 nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách sẽ là diễn đàn với những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm, các nhận định cũng như đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị, đề xuất những giải pháp chính sách thiết thực, cụ thể thúc đẩy ổn định và phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và có ý nghĩa tầm khu vực, quốc tế nói chung; qua đó, sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan giám sát khu vực Đông Á, giữa khu vực Đông Á với các khu vực khác trên bình diện toàn cầu.
Hội nghị cũng là diễn đàn để cơ quan giám sát và các định chế tài chính tham gia thị trường hướng tới hành động vì mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng toàn cầu đồng thời, hội nghị sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích và góp phần thắt chặt các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực ổn định và giám sát tài chính .
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức và các học giả quốc tế đối với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam nói chung và công tác quản lý, giám sát tài chính nói riêng .
Ngày 28/11, Hội nghị tập trung vào hai phiên họp. Phiên họp 1: “Tăng cường chính sách cẩn trọng và nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính”; Phiên họp 2: “Tăng cường nền tảng tài chính-Những giải pháp cơ bản vì mục tiêu ổn định hệ thống.”
Trong Phiên họp 1, các diễn giả là các chuyên gia tài chính quốc tế trình bày các tham luận: “Áp dụng các chuẩn mực Basel III và những ảnh hưởng đến thị trường tài chính,” “Những thách thức khi áp dụng các quy định và chuẩn mực an toàn tài chính đối với các định chế tài chính ở châu Âu,” “Xây dựng các chuẩn mực tài chính và lộ trình thực hiện cho khu vực Đông Á,” “Ổn định tài chính trong bối cảnh tái cân bằng kinh tế - Thực tiễn của Trung Quốc.”
Trong phiên họp 2, các diễn giả trình bày các tham luận: “Giám sát các tập đoàn tài chính,” “Giám sát thị trường tài chính: Vai trò của quản trị ngân hàng,” “Minh bạch thông tin tài chính ở Đông Á: Một nhân tố quyết định sự phát triển bền vững,” “Giám sát hợp nhất và xu thế cải tổ hệ thống giám sát tài chính trên thế giới hiện nay”,…
Hội nghị sẽ diễn ra trong hết ngày 28/11 với Phiên họp 3: “Ổn định thị trường tài chính khu vực Đông Á vì sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu” và Phiên họp toàn thể Hội nghị.
Hải Bình (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo