Tin tức - Sự kiện

Khai mạc phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 dự án Luật. Trong đó, có nhiều dự án Luật quan trọng

(VOV) Sáng 9/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 17. Đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tiếp thu, chỉnh lý bước đầu sau 3 tháng triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 dự án Luật. Trong đó, có nhiều dự án Luật quan trọng như dự án Luật đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, nhiều nội dung quan trọng khác sẽ được thảo luận tại phiên họp này như: Cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; cho ý kiến về báo cáo thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tất cả những nội dung này đều nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Chúng ta đã tạo ra một không khí chuẩn bị chu đáo sẽ tạo ra điều kiện để làm cho kỳ họp của Quốc hội được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân ta. Các đồng chí dành thời gian thảo luận để thể hiện ý kiến của Thường vụ Quốc hội trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo thực hiện nội dung của kỳ họp.

Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2014. Qua thảo luận, Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm: Việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát phải là những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Trong năm qua, tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề trọng tâm. Vì vậy, đề nghị  nội dung tái cơ cấu nền kinh tế mà cụ thể là tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cần được đưa vào nội dung giám sát của Quốc hội trong năm tới.

Ông Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến: Những năm gần đây, những vấn đề liên quan đến cái được, mất, cái mạnh, yếu của nền kinh tế nước ta mà chúng tôi nghĩ rằng tái cơ cấu nền kinh tế là rất quan trọng. Chúng ta đã nói nhiều đến tái cơ cấu rồi, tôi nghĩ nên chọn 1 đến 2 vấn đề liên quan đến giám sát tổ chức thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế để xem thực tế Chính phủ và các bộ, ngành đã tổ chức thực hiện việc tái cơ cấu này như thế nào.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị trong chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2014 cần có chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xóa đói, giảm nghèo và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện./.

 

 

Hồng Lĩnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo