Khai mở cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng
Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào siêu Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), công trình vừa khởi công những hạng mục đầu tiên vào cuối tuần qua.
Thông “mắt xích” của siêu Dự án
Những hồi còi dài vừa như chào đón, vừa như giục giã đã được các tàu biển đa quốc gia đang chờ làm hàng kéo lên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công Gói thầu số 6, Hợp phần A, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).
Mặc dù vẫn còn rất nhiều phần việc phải làm, nhưng với việc khởi công được Dự án, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã giải tỏa được áp lực lớn, sau những tranh cãi không đáng có về vị trí, giá thành xây dựng công trình suốt gần một năm qua.
Liên danh nhà thầu Nhật Bản là Toa Corparation và Penta Ocean Contruction Co. Ltd - những cái tên đã “quen mặt” ở các dự án thủy công tại Việt Nam đã được chủ đầu tư (Cục Hàng hải Việt Nam) lựa chọn để thi công hạng mục quan trọng nhất tại Hợp phần A: xây dựng đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ, tường chắn đất, tôn tạo xử lý nền, bến công vụ, đường sau cảng, hạ tầng điện nước.
Ngoài việc phải triển khai thi công ngay, nhà thầu trên còn được Bộ GTVT yêu cầu có giải pháp để rút ngắn tiến độ thi công công trình.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, mặc dù không phải là gói thầu xây lắp có giá trị lớn nhất, nhưng với thời gian thi công 52 tháng, Gói thầu số 6 là mắt xích tối quan trọng quyết định tới tiến độ của toàn bộ Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
“Chỉ khi nào toàn bộ hạng mục tường cừ chắn đất sau bến và một phần hạng mục tôn tạo, xử lý nền - những phạm vi công việc thuộc Gói thầu số 6 được hoàn tất, chủ đầu tư Hợp phần B - Xây dựng 2 bến container mới công địa để bắt tay vào việc xây dựng 2 bến trị giá 6.572 tỷ đồng”, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Được đặt trên đảo Cát Hải, nằm cách bến phà Bính khoảng 12 km, chỉ vài tháng nữa, bãi sú vẹt hoang sơ hôm nay sẽ sớm trở thành công trường sôi động, là một trong những “cửa ngõ” ra đại dương chính của Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Ngoài Gói thầu số 6, Hợp phần A - Xây dựng hạ tầng cảng có tổng mức đầu tư 18.627 tỷ đồng bằng nguồn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam gồm một số gói thầu rất quan trọng khác như: Gói thầu số 8 - Nạo vét vũng quay tàu và 7,07 km luồng thượng lưu (16,6 triệu m3); Gói thầu số 9 - Nạo vét 10 km luồng hạ lưu (21,1 triệu m3); Gói thầu số 10 - Xây đê chắn sóng đoạn B và đê chắn cát (7,6 km). “Với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là một trong cửa ngõ thông thương chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu trong vòng 5 năm tới”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Nâng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Không khó để giải thích vì sao công trình cảng cửa ngõ quốc tế đầu tiên ở phía Bắc lại nhận được nhiều sự kỳ vọng của các hãng tàu, đơn vị xuất nhập khẩu, cũng như của các nhà điều hành đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, hiện tổng năng lực của tất cả các cảng hiện hữu kể cả sau khi nâng cấp, mở rộng cũng chỉ đạt 86 - 90 triệu tấn vào năm 2015, trong khi dự báo lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng phía Bắc đến năm 2020 là 146-176 triệu tấn/năm.
“Nếu không sớm triển khai một cụm cảng cửa ngõ hiện đại, công suất lớn để bù đắp sự thiếu hụt về năng lực luân chuyển, nguy cơ ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu lớn ở phía Bắc là điều chắc chắn sẽ xảy ra”, ông Thăng khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khi được đưa vào khai thác vào cuối năm 2016, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng khoảng 12,8 - 13,1 triệu tấn.
Quan trọng hơn, với việc đón được tàu container trọng tải 4.000 - 6.000 TEU và lên đến 8.000 TEU trong các giai đoạn sau của Dự án (tương đương tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng còn đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
“Việc không phải trung chuyển qua các cảng trung chuyển tại khu vực như Singapore, Hồng Kông) sẽ làm giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Thăng cho biết.
Đặc biệt, khi kết hợp với hệ thống GTVT đồng bộ bao gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đặc biệt là Dự án Đầu tư xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện và Dự án Đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đang gấp rút triển khai, Dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt của Thành phố cảng Hải Phòng và của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, với việc tham gia đầu tư vào Hợp phần B của Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng (HPCT) - tổ hợp của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) là công trình đầu tiên được thực hiện theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) được khởi công xây dựng, hứa hẹn mở ra một hướng đi mới trong việc xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.
Được biết, Hợp phần B trước đây do chủ đầu tư là Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng (HPCT) là liên doanh giữa Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (51%) và Công ty Molnykit - Nhật Bản (49%). Hiện Bộ GTVT đang phối hợp với hoàn tất thủ tục bàn giao mặt bằng Dự án, triển khai thủ tục bàn giao giữa Vinalines với Tân cảng Sài Gòn và điều chỉnh giấy phép đầu tư Dự án.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu HPCT triển khai thi công Hợp phần B sẽ tiến hành ngay sau khi hoàn thành công tác tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu thuộc gói 6 của Hợp phần A, nhằm đưa công trình vào khai thác sớm nhất”, ông Thăng yêu cầu.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo