Khai thác đá vôi trắng ở Yên Bái: Người dân chưa được hưởng
Với tiềm năng lớn về khoáng sản, việc đầu tư phát triển công nghiệp khai thác chế biến đá vôi trắng được xác định là một trong những hướng đi để phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái. Tuy nhiên, thực tế thì thu về cho ngân sách từ khai thác khoáng sản lại không tương xứng với thiệt hại về môi trường, cùng đó người dân trong vùng chưa được hưởng lợi.
Lao đao trữ lượng
Yên Bái là địa phương giàu có khoáng sản, trong đó nổi bật nhất là nhiều mỏ đá vôi trắng lớn với chất lượng đứng đầu cả nước. Hàng năm, ngành khai khoáng đã đóng góp khoảng 15% tổng nguồn thu ngân sách toàn tỉnh. Song, cũng như nhiều địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Yên Bái luôn "đau đầu” tìm lời giải dung hòa giữa phát triển khai khoáng với bảo vệ môi trường.
Tính đến hết quý II/2014, tỉnh Yên Bái có gần 30 giấy phép khai thác đá vôi trắng còn hiệu lực, tập trung ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình. Hoạt động khai thác, chế biến đá vôi trắng không chỉ mang lại nguồn thu cho hai huyện này mà còn tạo được việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân nơi đây. Tuy nhiên, khâu thăm dò đánh giá trữ lượng thiếu chuẩn xác dẫn đến thực tế nhiều mỏ khi đi vào khai thác giá trị thu được lại không như kết quả đánh giá trữ lượng dẫn tới chủ đầu tư thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả.
Là công ty có quy mô khai thác đá hoa trắng lớn nhất Việt Nam với 3 loại sản phẩm chính là đá khối, đá xẻ tấm lớn và đá cắt theo quy cách, Công ty R.K (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Ấn Độ) có 90% sản phẩm đá khối của công ty đang được xuất khẩu tới 60 quốc gia trên thế giới. Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, mặc dù DN đang sở hữu mỏ đá lớn, được đánh giá là chất lượng nhất nhì của cả nước, thế nhưng sản lượng khai thác trên thực tế lại thấp, bởi những thông tin trong quá trình đánh giá thăm dò không chính xác. Căn cứ theo giấy phép đầu tư của Công ty thì trữ lượng đá khối được phép khai thác là 5 triệu m3, đá bột từ 12-15triệu m3, tỷ lệ thu hồi đạt từ 30-35%. Tuy nhiên thực tế, sau rất nhiều năm khai thác nhưng hiện nay Công ty chỉ thu hồi được 3-5%.
Ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần khoáng sản Yên Bái cho hay: Trữ lượng khai thác thực tế thường thấp hơn so với số liệu đánh giá ban đầu khi cấp phép. Mặc dù vậy, từ lúc khai thác đến nay Cty cũng thu được 70% sản phẩm so với sản lượng mỏ, còn 30% là đất đá thải loại (không thu được tiền, phải bỏ đi). Theo ông Nghĩa, cái nghề khai thác đá này cũng như đi đào vàng, gặp đúng vỉa thì lãi lớn, còn không may thì về tay không. Tuy nhiên, sẽ không có DN nào lỗ, bởi nếu bị lỗ thì không ai dám làm.
Lãng phí nguồn thu
Việc không thống nhất về trữ lượng trên giấy phép được cấp với thực tế khai thác khiến cho việc quản lý và thu thuế, phí của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Do đó, tuy được coi là có tiềm năng về đá vôi trắng nhưng các khoản thu về nguồn này của Yên Bái hiện nay đã không đem lại không như kỳ vọng. Những hệ lụy từ việc khai thác khoáng sản đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân trong khu vực.
Ông Nguyễn Công Ký, Phó trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ - Dự toán (Cục Thuế tỉnh Yên Bái) cho biết: Với tiềm năng lớn về khoáng sản, việc đầu tư phát triển công nghiệp khai thác chế biến đá vôi trắng là hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái. Tuy nhiên, trên thực tế, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản lại không tương xứng với thiệt hại về môi trường cũng như giá trị của nguồn tài nguyên mà DN khai thác.
Những năm gần đây, tổng thu ngân sách của các DN khai thác khoáng sản chiếm khoảng 15% tổng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái thu thuế của 84 DN khai khoáng được 63,5 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản 35,2 tỷ đồng. Năm 2014, nguồn thu này dự kiến đạt khoảng 77,6 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 31 tỷ đồng.
Theo các cán bộ Thuế tại Yên Bái, việc tính thuế cho khoáng sản đá vôi trắng hiện nay là rất "thoáng” chỉ từ 7-9%, ngang bằng đá xây dựng thông thường. Trong khi 1m3 đá vôi trắng DN bán với giá từ 12-16 triệu đồng/m3, nhưng DN chỉ nộp phí môi trường 90.000 đồng. Nếu tính cả các loại thuế khác thì DN chỉ nộp khoảng 1 triệu đồng/m3. Như vậy, tính tất cả các loại chi phí, tối đa DN chỉ chi chưa đến 50% tổng doanh thu. Chưa kể, phần đá thải loại DN thường vứt ra bãi thải, khai thác gây ô nhiễm môi trường, nhưng chế tài lại không đánh vào bãi thải, hay phần đất đá bên ngoài mỏ.
Thực tế cho thấy, với các mỏ đá vôi trắng ở Yên Bái, việc quản lý khoáng sản từ khâu thăm dò, đánh giá trữ lượng đến khai thác đều lỏng lẻo. Người dân nơi đây chẳng những không được thụ hưởng tài nguyên quê hương mình, trái lại đang phải chịu không ít hệ lụy.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Cột tin quảng cáo