Tin tức - Sự kiện

Khám phá Việt Nam qua biến thể Rồng thiêng

Hình tượng rồng của Việt Nam mang bản sắc riêng, thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt.

Trong văn hóa, tín ngưỡng của nhiều dân tộc châu Á, con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt, được xếp vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng", là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các bậc vua chúa.

Đối với người Việt Nam nói riêng, con rồng còn là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên, đồng thời còn thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa của người nông dân trong một nền nông nghiệp lúa nước.

Bởi vậy, dù có phần chịu ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai, hình tượng rồng Việt Nam vẫn mang bản sắc riêng, thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt. Dù trải qua nhiều thay đổi trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, rồng Việt nhưng vẫn giữ những đặc trưng không thể nhầm lẫn với rồng trong các nền văn hóa khác.

Dưới đây là sự biến đổi của hình tượng rồng qua các triều đại phong kiến chủ chốt trong lịch sử Việt Nam:

 

Rồng thời Lý có mình dài như rắn, thường không có vẩy, uống cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi, bụng phân thành nhiều đốt ngắn như bụng rắn. Dọc sống lưng rồng có một hàng vây thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tựa vào vây sau.

Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba ngón. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một nơi nhất định. Một chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có dải lông dài mọc từ khuỷu hất ra phía sau và móng cong nhọn giống chân loài chim.

Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa, được gọi là mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", cổ tự của chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa, yếu tố rất quan trọng trong nền nông nghiệp lúa nước.

Rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa vào nhau như rồng thời Lý.

Chân rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khuỷu chân không bay ra theo một chiều nhất định như rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào khoảng trống trong không gian thể hiện. Nhìn chung, rồng thời Trần có tạo hình uốn lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Ảnh: gạch đất nung có hình rồng thời Trần (Tiền phong).

Đầu rồng không có nhiều chi tiết phức tạp như rồng thời Lý, vẫn có mào vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp quả cầu. Ảnh: Đầu rồng đá thời Trần (hoangphaphanoi.com).

Rồng thời Lê có tạo hình thay đổi hẳn so với các triều đại trước đó. Không còn là một con vật mình rắn uốn lượn đều đặn, rồng được thể hiện trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn.

Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông mày vẫn giữ hình dáng uốn lượn, nhưng được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày là chiếc sừng hai chạc, đầu sừng cuộn tròn. Ảnh: Rồng đá ở điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long (Non nước Việt Nam).

Một số đặc điểm khác của rồng thời Lê: rồng có mắt to, sừng lớn, râu ngắn, chân rồng có 8 móng, một chân trước thường đưa lên đỡ râu, cổ rồng thường nhỏ hơn thân - một hiện tượng ít thấy ở những con rồng thời trước. Ảnh: Các bức chạm rồng thời Lê tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.

Nếu như vào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, hình tượng rồng được nhân cách hóa và đưa vào đời thường thì từ thời Nguyễn, con rồng đã trở lại vẻ uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng của vua chúa. Rồng thời kỳ này được thể hiện ở nhiều tư thế phong phú. Ảnh: tượng rồng thời Nguyễn ở lăng Khải Định.

Mình rồng khá ngắn, uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng to, mũi như mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vậy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng. Ảnh: Hình tượng rồng trên ấn "Sắc Mệnh Chi Bảo" của triều Nguyễn.

Nhìn chung Rồng thời Nguyễn toát lên vẻ mạnh mẽ, uy nghi, có pha chút vẻ dữ tợn. Ảnh: Hình tượng rồng trên áo bào của hoàng tử triều Nguyễn.

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo