Thị trường

Khẩn thiết xin khoanh nợ

Đã có gần 50.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động l Trong thực tế, lãi suất chưa giảm nhiều như kỳ vọng

Lãi suất chưa giảm như kỳ vọng, thị trường đầu ra khó khăn với lượng hàng tồn kho của một số ngành hàng tăng đến 100% so với cùng kỳ năm trước đang dồn cộng đồng doanh nghiệp (DN) lâm vào thế bí. Gánh chịu nhiều khó khăn nhất là các DN vừa và nhỏ.

Khẩn thiết xin khoanh nợ

Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam (VinaSME) vừa phải gửi đơn kiến nghị Chính phủ được khoanh nợ cũ, tạo điều kiện vay vốn mới. Ông Lương Ngọc Nhàn, Phó Chủ tịch VinaSME, cho biết chỉ giải pháp này mới tạo cơ hội cho DN có thể dùng lợi nhuận tạo ra từ nguồn vay mới để trả cho các khoản vay cũ.

Dệt may là một trong những lĩnh vực doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: HỒNG THÚY
 
Tại thời điểm này, đa số DN nhỏ và vừa đang rất cần được vay vốn để thu mua hàng xuất khẩu. “Mặc dù Chính phủ vừa chỉ đạo các ngân hàng (NH) tạo điều kiện cho DN xuất khẩu vay vốn, chúng tôi cũng đã ký kết với NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) về việc hỗ trợ vay nhưng như vậy chưa đủ. Nếu không được hỗ trợ mạnh hơn trong thời điểm khó khăn này, hàng loạt thành viên của hiệp hội sẽ phải đóng cửa và hơn 10 triệu lao động không giữ được việc làm” - ông Lương Ngọc Nhàn lo lắng.
 

Theo ông Nhàn, có nhiều NH tuyên bố giảm lãi suất nhưng trong thực tế, lãi suất chưa giảm nhiều như kỳ vọng. Giá vốn DN vay vào thời điểm này là 18%-19%/năm. Trong hoàn cảnh bình thường, DN mất khoảng 4 năm để trả hết nhưng tình hình hiện nay không thuận lợi như vậy.

 

Ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho biết trong bức tranh kinh tế năm 2011, điểm sáng là xuất khẩu tăng cao, lạm phát giảm dần nhưng điểm tối là sự khó khăn của DN với biểu hiện khó vay vốn, tiêu thụ hàng hóa giảm. Biện pháp tốt nhất lúc này là DN phải tìm cách đảo được vốn vay NH. Nếu không tự đảo nợ được và tình hình không sáng sủa hơn, NH cũng phải giải bài toán khoanh nợ, dãn nợ cho DN, tạo cho DN đường sống để nuôi sống chính bản thân các NH.



Xem lại cách làm chính sách

Con số gần 50.000 DN phá sản, ngừng nộp thuế trong 9 tháng đầu năm 2011 lại được đưa ra trong nhiều hội thảo kinh tế gần đây, dù số lượng DN phá sản chưa đến 10% tổng số DN hiện có. Nếu đặt trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2012 không mấy lạc quan thì tiếng kêu cứu của những DN đang lâm vào tình trạng tồi tệ cộng với con số gần 50.000 DN đã phá sản, ngừng hoạt động lại là vấn đề rất lớn.

 

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định từ nay đến hết năm 2012, số lượng DN “hấp hối” sẽ tăng nhanh. Cần có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về mối liên quan giữa chỉ tiêu lạm phát của năm 2012 và “sức khỏe” của DN. Cụ thể là có cơ sở tính toán lạm phát leo thang đến mức nào thì đẩy DN đang “hấp hối” đến cái chết.
 
Hoặc đưa lạm phát về một con số như mục tiêu đề ra, giả sử là 10% với lãi suất NH 15%/năm thì bao nhiêu phần trăm DN cầm cự được. Hoặc DN chỉ hồi sinh với điều kiện lạm phát, lãi suất ở mức nào... “Tình thế đã buộc chúng ta phải có cách tiếp cận và làm chính sách nghiêm túc, quyết liệt chứ không phải như cách đang làm là lãi suất 20% cao quá, năm sau giảm xuống 15%”- TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề. 
Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, năm nay, một số quỹ đầu tư có tên tuổi trong nước cũng ra nước ngoài huy động vốn nhưng “không được một xu nào”. Vậy làm thế nào để giải bài toán vốn cho DN trong khi ra ngoài huy động không được, trong nước thì tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt.
 

Cửa hé cho DN là tổng mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 đã được nới thêm 2%-5% so với năm 2011, các NH sau thời gian cho vay quá nhiều bất động sản đã chú ý đến cho vay theo tín hiệu dòng tiền. Đây là cơ hội để DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn NH nếu có phương án kinh doanh tốt, thuyết phục được NH đẩy vốn ra.

 

Do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu nên DN TPHCM cũng bị tác động mạnh. Hiệp hội DN TPHCM kiến nghị lãnh đạo cần có giải pháp cấp bách để “cấp cứu” cho DN trên địa bàn, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các DN làm hàng xuất khẩu, nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo