Sự cố mưa lớn gây vỡ đập phụ số 2 của đập thủy lợi Đầm Hà Động vào ngày 30/10 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho huyện miền núi Đầm Hà (Quảng Ninh).
Sự cố vỡ đập phụ ở đập thủy lợi Đầm Hà Động đã khiến nhiều nhà dân, trụ sở làm việc của một số cơ quan, đơn vị bị ngập nước, ngập bùn và rác thải, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà. Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà bị ngập bùn, nước khiến nhiều trang thiết bị y tế bị hư hỏng, trung tâm không thể hoạt động được trong nhiều ngày qua.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay ủng hộ nhân dân huyện Đầm Hà khắc phục thiệt hại do sự cố vỡ đập thủy lợi.
Hơn 100 đoàn viên thanh niên của ngành y tế trong tỉnh đã tình nguyện tham gia thu dọn bùn, đất, rác thải, sửa chữa, vệ sinh bàn ghế, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế... Nhiều đơn vị y tế trong tỉnh cũng đã hỗ trợ tiền mặt cùng với các trang thiết bị, thuốc men để Trung tâm Y tế Đầm Hà sớm hoạt động trở lại, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện.
Sau sự cố vỡ đập phụ số 2 của đập thủy lợi Đầm Hà Động, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và thủ trưởng các ngành, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay các biện pháp nhằm ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát và triển khai ngay các phương án phòng chống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, khu mỏ và các khu đô thị; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân ở các vùng có nguy cơ bị ngập nước; sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi những nơi nguy hiểm có khả năng bị sạt lở đất đá, lũ quét, nước biển dâng...
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị kiểm tra và triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm xung yếu trên hệ thống các hồ đập, sông suối, các công trình đang thi công để có phương án xử lý đảm bảo an toàn; chuẩn bị các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; chú trọng khơi thông các dòng chảy ở khu đô thị, khu khai trường mỏ, khu dân cư và sông suối tiêu thoát nước.
Các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa dông, lũ để chủ động điều tiết nước đảm bảo an toàn hồ chứa, mực nước trong các hệ thống thủy lợi và vận hành hợp lý đập tràn xả lũ, cống tiêu để giữ mực nước theo quy trình; sẵn sàng tiêu nước đệm, tiêu úng bảo vệ đời sống dân cư và sản xuất khi có mưa to gây ngập úng, lụt./.
Theo Vietnam Plus