Khánh thành bốn dự án giao thông trọng điểm quốc gia
Đây là các dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng.
Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…
Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân-Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1km.
Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng). Cầu có chiều dài 8,9km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5km là cầu dây văng liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.
"Nhà ga T2 là biểu tượng cho sức sống, cho thịnh vượng và phát triển của Việt Nam. Đây là một câu truyện về tình bạn giữa Nhật Bản và Việt Nam, hy vọng hai đất nước sẽ có nhiều dự án hợp tác sâu rộng hơn", ông Akihiro Ota nhấn mạnh.
Nhà ga hành khách T2 có diện tích sàn 139.216m2 gồm 4 tầng (không kể tầng hầm phục vụ kỹ thuật) có công suất phục vụ 30.000 hành khách với 230 lượt cất - hạ cánh trong ngày cao điểm; giờ cao điểm đáp ứng phục vụ 3.000 hành khách với 23 lượt cất hạ cánh. Công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).
Tại buổi lễ khánh thành đã diễn ra nghi thức gắn tên cầu Nhật Tân, tấm biển khắc tên cầu được đúc bằng đồng và bên dưới tên cầu Nhật Tân có in dòng chữ Công trình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cùng với cờ của hai nước, nhằm thể hiện mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu nay giữa hai quốc gia
Ông Akihiro Ota, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản, cho biết rất vui mừng khi Nhật Bản góp sức đầu tư xây dựng nhà ga T2 và cầu Nhật Tân. Nhiều kiến thức, kinh nghiệm quản lý dự án của Nhật Bản được đưa vào các dự án này.
Ông Akihiro cho rằng, việc hoàn thành cầu Nhật Tân và đường nối đến sân bay Nội Bài, sẽ tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển về thủ đô Hà Nội.
Cám ơn Nhật Bản đã tài trợ vốn ODA cho các dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, nhà ga T2 và cầu Nhật Tân là công trình biểu trưng tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, đánh dấu sự hợp tác giữa hai đất nước trong nhiều lĩnh vực.
Phó Thủ tướng khẳng định, nhà ga T2 là dự án lớn, có công nghệ hiện đại, đánh dấu sự chuyển mình của sân bay quốc tế Nội Bài. Nhà ga là cửa ngõ hàng không hiện đại, đưa Việt Nam đến với thế giới và thế giới đến với Việt Nam. Dự án nhà ga T2 đem lại tiềm năng mới cho sân bay Nội Bài, với công suất 25 triệu hành khách đến năm 2020.
Cùng với các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân - Nội Bài, sẽ rút ngắn khoảng cách giữa sân bay và trung tâm Hà Nội. Đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ là trục giao thông đô thị chính phía bắc sông Hồng, tạo nền tảng phát triển các khu đô thị phía bắc.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tốt việc vận hành, đào tạo cán bộ, nhân viên phục vụ, nhằm đem lại hài lòng cho hành khách và người dân. Ông cũng yêu cầu Hà Nội quản lý tốt các dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất