Khi chính sách "khuyến khích" người nghèo không thoát nghèo!
Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách hiện nay không khuyến khích được người dân thoát nghèo, ngược lại tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hôm qua, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này.
Bà Mai cho biết chênh lệch giàu- nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục Thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012). Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước.
Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% và còn khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng khoảng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chuẩn nghèo hiện nay quá thấp không còn phù hợp; vì thế không khuyến khích được người dân thoát nghèo.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, công tác giảm nghèo mới chỉ giải quyết vấn đề tức thời nên nguy cơ tái nghèo cao. Dù Việt Nam đạt được thành công rất lớn nhưng một bộ phận dân cư vẫn nằm trong ranh giới mức nghèo và cận nghèo; chỉ cần điều chỉnh nhỏ về chuẩn nghèo cũng khiến họ rơi xuống mức nghèo, làm tăng tỷ lệ hộ nghèo. Người nông dân mất đất phải di cư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; ở nông thôn chủ yếu còn phụ nữ, người già và trẻ em, thiếu nhân lực các hộ rơi vào vòng lẩn quẩn đói nghèo.
“Không thể để tình trạng người nghèo ở nhà chơi bời, cờ bạc, rượu chè say xỉn đánh đập vợ con; bắt con bỏ học, bán vé số... kiếm tiền và nghiễm nhiên được hưởng chính sách giảm nghèo. Muốn vậy, cần kiên quyết bỏ chính sách giảm nghèo khi họ không chấp nhận điều kiện nhà nước nêu ra, họ không có ý thức vươn lên thoát nghèo”, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nói.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên, còn nhiều điều chưa hài lòng. Ông Vinh đề cập đầu tiên là sự dàn trải trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. “Trong nhiệm kỳ này, có 16 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện, về đến địa phương, nguồn vốn không còn được bao nhiêu, nhiều nơi không thể thực hiện được”, Bộ trưởng Vinh cho biết.
Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo và chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau 2015 nhằm bảo đảm an sinh tối thiểu cho người nghèo. Đồng thời, rà soát, phân loại và chuyển số nghèo kinh niên sang nhóm bảo trợ xã hội; xây dựng bộ tiêu chí bình xét, đánh giá chuẩn nghèo...
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cột tin quảng cáo