Tin tức - Sự kiện

Khi Chủ tịch nước cúi đầu nghe dân

Đó là những ngày tháng 4 nắng gắt, gió biển thổi lồng lộng.Cuộc trò chuyện giữa những ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra chân tình, cởi mở ngay trên bến cảng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với mẹ Việt Nam anh hùng ở Đức Hòa, Long An - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Chân thực, thẳng thắn, bà con ngư dân nói về việc ngày đêm bám biển đảo Tổ quốc, đánh bắt cá xa bờ. Giọng nói không hề gợi chút khoa trương, họ đã nối tiếp truyền thống của bao thế hệ cha anh đánh bắt cá ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, nay vẫn quyết tâm bám biển. Chủ tịch nước lắng nghe và ghi chép tiếng nói sốt sắng của bà con về những bất cập, khó khăn trong nghề đánh bắt hải sản hiện nay. 

Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các ngành, các địa phương trao đổi, làm rõ những ý kiến của bà con ngư dân và nêu lên các chính sách, những thành quả của công cuộc đổi mới là tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm sản xuất để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, nối tiếp những chuyến làm việc trong nước và quốc tế của người đứng đầu Nhà nước. Còn nhớ chuyến thăm Trung Quốc, trên chuyên cơ trở về vừa đúng ngày 21-6, kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam, Chủ tịch nước không quên chúc mừng cánh nhà báo theo đoàn.

Vui trong câu chuyện, Chủ tịch nước nói về sự cởi mở, thẳng thắn trong cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước. Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhưng trong quan hệ hợp tác kinh tế cũng gặp không ít trở ngại. Việt Nam còn phải nhập siêu cao, bởi vậy đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa, nông sản, thực phẩm của Việt Nam qua biên giới. Phía Việt Nam cũng yêu cầu giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển bằng phương pháp hòa bình... Các thỏa thuận này giữa hai nước đã được ký kết.

Trong khó khăn phải biết chung lưng

Cuối năm, những nụ đào đầu tiên dần hé mở trong giá rét, báo hiệu một mùa xuân mới đang về trên mọi miền Tổ quốc. Qua những chuyến đi, dù về ven biển miền Trung hay lên tận huyện biên giới Xín Mần (tỉnh Hà Giang) với hơn 1.000 cua gấp khúc khuỷu, và qua những địa bàn khó khăn nơi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp đến làm việc, chúng tôi thấy cuốn sổ tay của ông dày thêm những ghi chép.

Ở đâu trước khi làm việc với lãnh đạo chính quyền, Chủ tịch nước cũng gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của người dân, nhất là lớp trẻ. Không chỉ nghe cái hay, những việc trung ương và địa phương đã làm được cho người dân mà còn nghe những điều “nghịch nhĩ”, nghe về những “lực cản”, về thói hư tật xấu của một bộ phận người có chức, có quyền đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Gặp gỡ bà con các dân tộc, các chiến sĩ biên phòng ở Xín Mần, Chủ tịch nước vui mừng trước những đổi thay bước đầu trên mảnh đất địa đầu biên cương này. Bài học làm nên sự phát triển mới là gì? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói rõ trước người dân, lãnh đạo các cấp ở đây: “Chính quyền phải coi việc chăm lo cuộc sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là con đường để quy tụ lòng dân, tập hợp sức dân”.

Hơn ai hết, người dân và cán bộ ở vùng núi cao này cảm nhận được vị Chủ tịch nước đang nói những lời gan ruột. Họ còn nhớ rõ nhiều năm trước, lần đầu Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang đến công tác ở Xín Mần, ông trăn trở vì thấy đời sống của bà con các dân tộc còn khó khăn, nhiều người chưa đủ ăn, trẻ em không được học hành đầy đủ, đường đi lại quá gian nan. 

Ngay ở thị trấn Cốc Pài - huyện lỵ Xín Mần, mùa mưa lũ nhiều nơi bị chia cắt bởi không có cầu cống. Kinh tế đã khó khăn, ngân sách càng hạn hẹp. Ông đã cùng với tập thể lãnh đạo huyện, tỉnh suy nghĩ tìm cách tháo gỡ.

Khởi đầu phải dựa vào sức dân và khả năng tài chính của doanh nghiệp ngoài địa bàn. Được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp, các đề án phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ giảm nghèo cho huyện Xín Mần ra đời. Công thức hoạt động là 5 - 3 - 2, nghĩa là đầu tư 100 đồng thì 50% chi phí vào con người (giáo dục, đào tạo), 30% vào phát triển kinh doanh và 20% dành để phát triển hạ tầng cơ sở. 

Sau một thời gian ngắn chiếc cầu Na Lam được xây dựng và khánh thành vào cuối năm 2010, nối liền sáu xã phía đông của huyện với gần 20.000 dân, mỗi năm tiết kiệm hàng tỉ đồng tiền vận chuyển cho bà con. Nguồn lực từ các đề án trên còn tài trợ xây dựng ba trường học, mười nhà lưu trú, tặng bà con các dân tộc 400 tivi màu và một xe cứu thương…

Không ai nói ra, nhưng tất cả đều thấy rõ chính từ cuộc sống người dân đã thúc giục Chủ tịch nước bàn thảo từng việc cụ thể với lãnh đạo địa phương cũng như kêu gọi doanh nghiệp đến với vùng cao này, và kết quả thật đáng mừng.

Trong lần về làm việc ở xã Đại Trạch (tỉnh Quảng Bình), Chủ tịch nước đã đến thăm những nông dân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nơi đây. Gặp những con người trằn lưng với nắng gió, lắng nghe những câu chuyện làm ăn thật thà, chất phác của họ, ông không giấu nổi niềm vui. Soi rọi vào những nhân tố mới tích cực ở các địa phương, Chủ tịch nước khẳng định sự đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Điều đó rất rõ ràng, ai cũng thấy được. Nhưng tại sao cái mới, cái đẹp lại chưa phát triển đúng tầm để lấn át cái xấu? Vấn đề cốt lõi là đội ngũ cán bộ.

Chủ tịch nước nói rõ: “Dân ta rất tốt, biết bao thế hệ đã dâng hiến cuộc đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Giờ đây người dân đang nỗ lực xây dựng đất nước. Nhưng chúng ta không được lợi dụng lòng tốt đó. Đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trước hết là những cán bộ chủ chốt phải nêu gương, bám sát thực tiễn, có năng lực đổi mới, sáng tạo, nói đi đôi với làm”.

Hiểu biết lớn nhất rút ra từ thực tiễn cuộc sống, giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về các chủ trương, chính sách và để biết cách xử lý. Người dân đã nói là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước. Bởi vậy người lãnh đạo càng biết ơn nhân dân và ráng sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần tâm sự như vậy sau mỗi chuyến thăm và làm việc với các ngành, các địa phương.

Trên mỗi chặng đường đất nước đều nhìn thấy những công việc còn bộn bề. Những con đường quốc lộ đây đó còn dang dở, những vùng quê chưa thoát nghèo đã chìm trong bão lũ, những áp lực cạnh tranh quốc tế gay gắt hơn trong khi kinh tế nội địa chưa hết khó khăn… 

Phải chăng, từ thực tiễn đó, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng cách đây vừa tròn một năm, trong lời chúc Tết của mình, Chủ tịch nước đã nói với đồng bào “những khó khăn thử thách trên con đường đi lên của đất nước mà chúng ta đã vượt qua có thể chưa phải là những thử thách cuối cùng”. Chúng tôi hỏi ông: “Thưa Chủ tịch nước, điều gì sẽ làm nên sức mạnh để đất nước vượt qua những thử thách tiếp theo?”.

Nhắc đến câu nói của người xưa “ôn cố tri tân”, Chủ tịch nước nói với chúng tôi: “Nhìn lại lịch sử chắc sẽ gợi cho chúng ta nhiều điều”. Theo Chủ tịch nước, trong những năm mà tên nước Việt Nam chưa có trên bản đồ thế giới, trong những tháng ngày giữa núi rừng Pắc Bó hoang sơ, khi trở về nước sau 30 năm xa Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ đã có thư “Kính cáo đồng bào”. 

Trong thư, để hiệu triệu “hơn 20 triệu con Lạc cháu Hồng” lúc bấy giờ, Bác nhấn mạnh: “Ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”. Bao giờ cũng vậy, đứng trước khó khăn, truyền thống quý báu của dân tộc ta là phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, tạo thành sức mạnh toàn dân tộc để vượt qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Các bậc tiền nhân đã trao lại cho chúng ta bài học lịch sử vô giá đó, thế hệ hôm nay phải biết chung lưng bằng nghị lực và niềm tin để cùng nhau xây đắp đất nước”.

Lắng nghe ông nói, chúng tôi lại nhớ đến ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội trên nghị trường, kinh tế khó khăn có thể vượt qua được nếu có niềm tin và sự đồng thuận, hơn nữa thăng trầm kinh tế vốn có tính chu kỳ, nhưng nếu để mất niềm tin là mất tất cả. Như Chủ tịch nước đã nhiều lần nói, độc lập - tự do - hạnh phúc muốn trường tồn và phát triển phải thực hiện lời Bác Hồ dạy, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 25-7-2013 - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Trên chuyến tàu hội nhập

Đón xuân mới Giáp Ngọ, nhìn lại một năm vừa qua, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ góc nhìn của mình với báo chí: “Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bản thân kinh tế nước ta mấy năm qua có khó khăn nhưng ngoại giao vẫn là điểm sáng”. Có thể mỗi người từ cách tiếp cận của mình sẽ có nhìn nhận khác nhau. Nhưng rõ ràng tuy “lực” có hạn, với đường lối đúng đắn và phương pháp, bước đi thích hợp vẫn có thể tạo nên “thế” mới.

Những ngày cuối năm Quý Tỵ, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chính là một trong những hình ảnh thu gọn về mối quan hệ hợp tác ngày càng sâu đậm của các nước đối với Việt Nam. 

Chứng kiến ông Putin - người vừa được các tạp chí quốc tế uy tín bầu chọn là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới - bắt tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Phủ chủ tịch, cánh phóng viên lại nhớ đến tại khu nghỉ mát Sochi (Liên bang Nga) hơn một năm trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ra tận sảnh dinh thự đón và bắt tay thân mật với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sau hội đàm, ông đã trực tiếp lái xe cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến trung tâm báo chí chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác và gặp gỡ với báo chí.

Cũng chỉ cách đây vài năm, vào cuối nhiệm kỳ trước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm lúc bấy giờ đã phát biểu trong một hội nghị của Chính phủ với các địa phương rằng: “Trong số năm nước lớn, có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế và là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ta đã ký đối tác chiến lược với ba nước, chỉ còn hai nước Mỹ và Pháp”. 

Con đường để những cựu thù trở thành đối tác hẳn không đơn giản, nếu không nhất quán “gác lại quá khứ và hướng tới tương lai” cùng những nỗ lực ngoại giao con thoi theo thời gian. Và chính trong năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất xác lập được vị thế này.

Trong khi đẩy mạnh phát triển các quan hệ song phương, đa phương, từ Bắc Kinh đến Washington, Matxcơva hay New Delhi, Jakarta hay Budapest, Copenhagen..., Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều khẳng định đường lối đổi mới, độc lập, tự chủ và tinh thần bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau trong hợp tác và quá trình hội nhập.

Cùng với những kết quả làm việc chính thức có thể đo đếm được qua các văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn bè quốc tế còn chia sẻ với Việt Nam tình cảm chân thực không đơn thuần chỉ là ngoại giao. Như lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Đan Mạch, đất nước Bắc Âu xa xôi và lạnh giá nhưng đầy hữu nghị. Chuyên cơ vào đến bầu trời Copenhagen thì được thông báo đang có mưa lớn nên chưa thể hạ cánh ngay. 

Một lúc sau, khi máy bay đáp xuống, giữa sân bay mà xung quanh còn đọng trắng những viên như mưa đá, toàn bộ thành viên Hoàng gia Đan Mạch gồm Nữ hoàng, Hoàng thân cùng hai hoàng tử và các công nương trong những lễ phục lịch thiệp nhất đã có mặt để đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam...

Trong bữa tiệc hoàng gia sau đó để chiêu đãi các vị khách quý, nhắc lại chuyện Hoàng thân Henrik từng sống nhiều năm tuổi trẻ ở Việt Nam, Nữ hoàng Margrethe II chia sẻ rằng “đất nước Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim của Hoàng thân”. Về phần mình, Nữ hoàng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam vào năm 2009 và nói: “Trong chuyến thăm đó, tất cả chúng tôi càng hiểu hơn tại sao Hoàng thân lại bị đất nước Việt Nam quyến rũ đến thế”.

Thế giới vẫn đang trong giai đoạn cố gắng thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, nảy sinh nhiều phức tạp mới. Mỹ phải chia sẻ ảnh hưởng với các cường quốc khác. Lợi ích các nước lớn đan xen nhau. Xu hướng hội nhập, cạnh tranh ngày càng rõ. ASEAN được các nước quan tâm chú ý. Trong bối cảnh đó Việt Nam khẳng định vị thế của mình, ổn định về chính trị, giữ được mức tăng trưởng kinh tế và có nhiều tiềm năng phát triển, hợp tác với các nước. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sáng kiến của Hungary với tư cách chủ tịch luân phiên nhóm Visegrad (gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech) mở văn phòng đại diện tại TP.HCM. Đó là cửa ngõ để Visegrad hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Đan Mạch, lãnh đạo của quốc gia đã đạt được tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về môi trường kinh doanh này tái khẳng định cam kết thực hiện chiến lược tăng trưởng thị trường đối với Việt Nam - một trong mười nền kinh tế tiềm năng trên thế giới mà Đan Mạch lựa chọn để triển khai chiến lược nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Đan Mạch mở rộng đầu tư. Đây cũng là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử khi hai nước ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.

Nước Mỹ ngày càng hiểu thêm về Việt Nam, tôn trọng thể chế chính trị nước ta và đặt niềm tin vào sự hợp tác phát triển toàn diện. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu với nhiều đối tác chiến lược, kinh tế, thương mại hàng đầu, nêu các đề xuất động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng tại hội nghị này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017.

Sau niềm vui còn ẩn chứa bao nỗi lo mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần tâm sự với chúng tôi: Cộng đồng ASEAN 2015 đang cận kề, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác mới. Xu thế mới trong liên kết kinh tế khu vực với nội hàm sâu rộng, mức độ cam kết cao, thách thức không nhỏ đối với các quốc gia có trình độ phát triển còn thấp như nước ta. 

Thách thức đó gây sức ép buộc chúng ta phải nỗ lực hết mình, chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt, nhất là thể chế và năng lực, để đủ sức hội nhập và trưởng thành. Kinh tế thị trường đòi hỏi thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng là chuyến tàu không chờ đợi ai.

Đi qua những mùa xuân của dân tộc, đất nước, ở đâu cũng vậy, gặp gỡ người dân, cán bộ chiến sĩ trong nước hay đồng bào ta ở nước ngoài, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn nhắc nhở, nói một cách thiết tha, nhân dân ta từ trước đến nay một lòng đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Chúng ta phải gần dân, mở lòng với dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vị thế của Việt Nam hôm nay đang là cơ hội để mỗi người chúng ta vững niềm tin, chung sức hành động vì hạnh phúc của nhân dân. Kỳ vọng của người dân cũng là mong muốn của Đảng và Nhà nước về con đường xây dựng một đất nước Việt Nam kỷ cương, luật pháp, xã hội bình yên và thịnh vượng.

Cuộc sống gieo hạt niềm tin, làm nảy sinh trong con người và xã hội những năng lực mới để hành động. Ý chí đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắn gửi với chúng tôi vào dịp cuối năm.

 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo