Tin tức - Sự kiện

Khi đại biểu nào cũng muốn hỏi Thủ tướng

Thời lượng dành cho phiên chất vấn Thủ tướng không nhiều nhưng đại biểu nào cũng muốn hỏi và đặt nhiều câu hỏi dành cho người đứng đầu Chính phủ. Để tiến kiệm thời gian, không ít lần chủ tọa phiên chất vấn đã phải ngắt lời đại biểu, yêu cầu đi thẳng vào câu hỏi.

Phiên chất vấn cuối cùng có nhiều đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ với thời lượng ít ỏi trong phiên chất vấn cuối cùng vào chiều 21/11, đã có 14 vị đại biểu đặt ra những câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Dẫu thời gian dành cho mỗi lượt hỏi chỉ ngắn ngủi trên dưới 1 phút, nhưng hầu hết các đại biểu đã thể hiện hết được những nội dung muốn chất vấn.

Từ băn khoăn về việc nâng mức bội chi ngân sách của đại biểu Trần Thị Hiền, đến vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp của đại biểu Đỗ Thị Hoàng; từ những hệ lụy trong việc lập quy hoạch đầu tư xây dựng, thi công và vận hành thủy điện đến băn khoăn vì sao việc thi hành án, số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng chỉ đạt khoảng 20% của đại biểu Nguyễn Thị Khá; rồi đại biểu Lê Như Tiến cũng tham gia chất vấn Thủ tướng "đã cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt quốc nạn tham nhũng... 14 đại biểu là 14 vấn đề đặt ra trên mọi lĩnh vực. 
 
Nhằm đáp nguyện vọng một cách tối đa cho đại biểu, đã không ít lần chủ tọa phiên họp đã phải ngắt lời đại biểu, đề nghị không diễn giải nội dung và đi thẳng vào câu hỏi vì...Quốc hội đang chờ. 
 
Thậm chí sau phiên giải lao, Chủ tịch Quốc hội đã phải chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu: muốn được hỏi nhiều câu nhưng vì thời gian không nhiều nên đành phải “nhường” nhau. Cũng vì lượng thời gian ít ỏi nên Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể giải đáp được một vài câu chất vấn đầu tiên của các đại biểu. Những câu hỏi khác chưa được giải đáp do thời gian có hạn, Thủ tướng hứa với đại biểu sẽ trả lời đầy đủ và đăng công khai trên trang web của Chính phủ.
 
Trong 3 ngày, đã có 7 Bộ trưởng trả lời chất vấn với Quốc hội. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá thì những vấn đề Quốc hội lựa chọn rất đúng với thực tế cuộc sống. Câu hỏi đại biểu đặt ra cũng rất ngắn gọn, súc tích, còn các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn, nhìn vào những tồn tại, yếu kém và đưa ra được những giải pháp khắc phục.
 
Dù toàn bộ những vấn đề đại biểu đặt ra không được giải đáp ngay tại nghị trường nhưng phiên chất vấn cũng được đánh giá “rất có kết quả, bầu không khí rất thẳng thắn, xây dựng và tâm huyết” như lời nhận xét của Chủ tịch Quốc hội.
 
Kết thúc toàn bộ phiên chất vấn, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan tới ba kỳ họp trước. Đồng thời phát huy tinh thần lắng nghe, tiếp thu, giải quyết và kiểm tra việc giải quyết kết quả đến cùng.
 
Những vấn đề đặt ra và các Bộ trưởng, trưởng ngành cần giải quyết, cụ thể là: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lĩnh vực quản lý cán bộ và công chức; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lĩnh vực thông tin, viễn thông; đối với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tập trung vào lĩnh vực xét xử trong công tác tư pháp.
 
Chủ tịch Quốc hội cho biết, toàn bộ những nội dung chất vấn sẽ được ra nghị quyết xoay quanh những kết luận tại phiên họp này để trình Quốc hội cho ý kiến vào phiên bế mạc của kỳ họp.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo