Thị trường

Khi thanh niên vùng sâu khát khao lập nghiệp

Phong trào khởi nghiệp đang từng ngày lan rộng, thể hiện khát khao thay đổi cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng của tuổi trẻ xã vùng sâu Lộc Nam, huyện Bảo Lâm với nhiều mô hình kinh tế mới bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chọn chăn nuôi để lập nghiệp

 Đang theo học năm thứ 2 tại một trường cao đẳng ở Đà Lạt, nhưng do bố mẹ tuổi cao hay đau ốm nên Vũ Minh Thắng (24 tuổi, ngụ tại Thôn 7, xã Lộc Nam) đành “lỡ hẹn” với con đường học vấn để về nhà làm kinh tế phụ giúp gia đình. Tháng 7/2017, từ nguồn vốn để dành của gia đình và vay mượn thêm, Thắng đã đầu tư chuồng trại và mua 20 dê giống boer về nuôi. Thắng chia sẻ: “Qua tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, thì dê là loài gia súc dễ nuôi, vốn đầu tư không cao và cho thu nhập ổn định. Vì thế, tôi đầu tư gần 150 triệu đồng làm chuồng trại và mua dê giống về nuôi để phát triển kinh tế”.

Theo Thắng, dê có 3 loại bệnh là bệnh phổi (ho), tiêu chảy và nấm cần phải lưu ý để phòng tránh. Để phòng bệnh phổi, người nuôi cần phải thiết kế chuồng trại mát về mùa khô, ấm về mùa đông và tiêm thuốc phòng bệnh cho dê theo định kỳ hàng tháng. Đối với bệnh tiêu chảy, ngoài việc tiêm vắc xin theo định kỳ thì thức ăn của dê phải khô ráo. Riêng đối với bệnh nấm thì chỉ cần vệ sinh, sát trùng chuồng trại thường xuyên là được. “Sau gần một năm chăm sóc đến nay, đàn dê của tôi đã sinh sản được 20 con, nâng tổng số đàn lên 40 con và hiện còn nhiều con đang mang bầu sắp sinh. Thời gian qua, tôi đã xuất bán được 10 con dê thịt với giá từ 90-110 ngàn đồng/kg và thu được gần 30 triệu đồng. Tôi dự tính thời gian tới sẽ mở rộng chuồng trại để gây đàn lên từ 80-100 con dê sinh sản” - anh Thắng cho biết thêm.

Mô hình nuôi dê của anh Vũ Minh Thắng. Ảnh: K.Phúc.

Cũng chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế, anh Huỳnh Tấn (32 tuổi, ngụ tại Thôn 1, xã Lộc Nam) đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà. Điều đặc biệt, 2 loại gà anh Tấn chọn nuôi là những giống gà quý là Đông Tảo và gà khổng lồ Brahma. Hiện tại, anh Tấn có 2 trại chăn nuôi gà, một trại ở xã Lộc Nam và một trại ở quận Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, trại gà ở Lộc Nam luôn dao động từ 150-200 con gà Đông Tảo và 20 con gà Brahma. Còn trại tại TP.HCM có từ 500-600 con gà Đông Tảo và 70-100 con gà Brahma. Anh Tấn chia sẻ: “Hiện nay, Đông Tảo và Brahma là 2 giống gà thịt có giá trị nhất trên thị trường. Suốt 5 năm gắn bó với 2 giống gà này, để có thành công như ngày hôm nay, tôi đã trải qua không ít thất bại. Sau những lần vấp ngã, tôi tiếp tục đúng dậy ra tận Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm và tìm mua những con giống Đông Tảo tốt nhất về gây đàn. Rồi tìm đến những trại gà Brahma lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh để học hỏi kinh nghiệm. Ưu điểm của 2 giống gà này là có kích cỡ và trọng lượng lớn từ 4 - 6 kg/con trưởng thành đối với gà Đông Tảo và từ 8-14 kg/con đối với gà Brahma nên chúng có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mang lại cho tôi nguồn lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng từ tiền bán gà”.

Những mô hình xen canh hiệu quả

 Ngoài những mô hình chăn nuôi mới, tại Lộc Nam còn xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt theo hướng xen canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Chánh Xuân Mểnh (28 tuổi, ngụ Thôn 6, xã Lộc Nam), có 2,8 ha chỉ trồng độc canh mỗi cây cà phê nên thu nhập cũng chỉ đạt từ 250-300 triệu đồng/năm. Nhưng từ năm 2015, anh đã chủ động đưa một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng xen với cà phê như sầu riêng, mắc ca và bơ 034. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất vườn cà phê của gia đình anh không ngừng tăng lên và các loại cây trồng xen cũng phát triển tốt. Theo anh Mểnh, năm nay, ngoài vườn cà phê cho thu hoạch từ 10-11 tấn nhân thì hơn 200 cây mắc ca của anh cũng đã cho thu hoạch vụ đầu tiên và ước đạt khoảng 1 tấn. Còn sầu riêng và bơ thì cây phát triển rất tốt và hứa hẹn qua năm 2019 sẽ cho trái bói. 

Cũng là một thanh niên tiêu biểu của địa phương, anh Nguyễn Ngọc Tân (đoàn viên Thôn 8, xã Lộc Nam) đã thực hiện thành công mô hình trồng xen canh cây bơ 034 vào vườn cà phê. Theo anh Tân, gia đình có 1,7 ha cà phê nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, do đó anh đã mạnh dạn đưa vào trồng xen 450 gốc bơ giống 034. Sau 5 năm vườn bơ đã cho thu hoạch vụ thứ hai và nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc và xử lý cho cây ra bông và đậu trái nên vườn bơ của anh luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Năm 2018, chỉ tính riêng 450 gốc bơ vừa thu hoạch và chồi đã mang về cho anh Tân nguồn thu nhập khoảng 600 triệu đồng. “Chỉ tính riêng bơ đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng và năm nay con số này đã tăng lên gấp đôi. Thực tế cho thấy, ngoài việc có thêm nguồn thu nhập cao thì trồng xen bơ trong vườn cà phê không ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cà phê mà bơ còn tạo bóng mát giúp cà phê phát triển tốt hơn” - anh Tân chia sẻ.

 

Anh Trần Đình Tịnh, Bí thư Đoàn xã Lộc Nam cho biết: “Hiện, địa phương đang có hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên, trong đó, có gần 300 người sinh hoạt và làm kinh tế tại địa phương. Từ các mô hình lập nghiệp của thanh niên thực sự đã thổi một luồng gió mới làm thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp độc canh cây cà phê của người dân địa phương. Điều đó cho thấy, tư duy, nhận thức của thanh niên tại địa phương có sự thay đổi rõ nét. Đây là những thanh niên tiêu biểu thể hiện khát khao và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương để các bạn trẻ khác học tập, phấn đấu vươn lên trong thời gian tới”.

Nên đọc

Theo Báo Lâm Đồng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo