Khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện một ý chí
Năm 2012, Yên Khánh là một trong những huyện của tỉnh Ninh Bình làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dịp Xuân Quý Tỵ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện uỷ Yên Khánh về vấn đề này.
Phóng viên: Yên Khánh là một huyện thuần nông, đất chật người đông, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí cụ thể của Nhà nước, khó khăn nằm ở những khâu nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Yên Khánh là một trong những huyện có số dân đông nhất tỉnh Ninh Bình (khoảng hơn 135 nghìn người), trong khi đó diện tích canh tác bình quân/người lại rất thấp, chỉ khoảng gần hai sào/người. Xã Khánh Phú hầu như không còn đất canh tác bởi tỉnh đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Khánh Phú. Qua khảo sát xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí đề ra thì Yên Khánh có 3/18 xã đạt 5 tiêu chí, 2 xã/18 xã đạt 4 tiêu chí. 12 xã đạt từ sáu đến tám tiêu chí. Toàn huyện chỉ có một xã là Khánh Phú đạt 14 tiêu chí. Các xã phần lớn đạt được một số tiêu chí về nước sạch hợp vệ sinh, điện, nghĩa trang xây dựng theo quy hoạch và hạ tầng giao thông, hệ thống thuỷ lợi nội đồng, chợ nông thôn...
Phóng viên: Qua những lần đi thực tế ở Yên Khánh, chúng tôi thấy những tiêu chí chưa đạt thì rất khó thực hiện bởi nhiều yếu tố: kinh phí đầu tư lớn, nguồn lực hỗ trợ ngày một khó khăn hơn trước những biến động của nền kinh tế trong nước cũng như địa phương, liệu còn giải pháp nào khả thi?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Đúng vậy. Những việc dễ làm thì đã xong cả rồi. Cái chưa đạt được lại rất khó. Chẳng hạn, đường nông thôn liên xã ngày trước chỉ có chiều rộng khoảng hơn 3 m, nhiều xã tổ chức kiên cố hoá xong lâu rồi, nhưng bây giờ do lượng phương tiện của nông dân ngày càng nhiều cho nên chật, thậm chí không ít xã ở Yên Khánh hiện đã mua máy gặt đấp liên hợp, máy làm đất thì giao thông nông thôn không đáp ứng được nhu cầu, gây ùn tắc ngay tại xã.
Bây giờ, theo tiêu chí mới, mặt đường phải có chiều rộng hơn 5m trong khi phần lớn gia đình sống ven đường đã xây nhà, hoặc công trình kiên cố, nay vận động sao cho họ lùi vào trong khoảng 1m - 2m là phải tháo dỡ công trình thì thật không đơn giản chút nào.
Hoặc việc huy động ngày công, vật chất thậm chí là tiền để cùng nhà nước xây dựng nông thôn mới cũng chẳng dễ chút nào bởi vì không nhiều gia đình có điều kiện làm việc này.
Phóng viên: Nhưng rõ ràng, những kết quả bước đầu trong hai năm là đáng khích lệ?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Vâng. Đấy cũng là ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân. Trước hết, BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 định hướng đến năm 2020, Nghị quyết về giáo dục đào tạo, phát triển văn hoá, văn nghệ thể thao rồi Nghị quyết về đẩy mạnh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2011-2015,v.v. Sau đó thành lập Ban chỉ đạo từ huyện tới xã, phân công trách nhiệm, làm rõ từng phần công việc cụ thể cho từng Huyện uỷ viên.
Sau đó chúng tôi tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng khảo sát, lập quy hoạch rồi tuyên truyền vận động người dân tham gia. Nhiều Ban chỉ đạo thôn xóm có cách làm sáng tạo, có sức lan toả sâu rộng như các xã: Khánh Thành, Khánh Nhạc, Khánh Hải, Khánh Cư, Khánh Thiện, Khánh Cường... Phong trào “toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân hưởng ứng. Đúng như các cụ thường dạy “Tư tưởng chưa thông thì đeo bình tông không nổi” (cười).
Nhờ đó, hàng trăm công trình được khởi công và hoàn thành, mang lại hiệu quả thiết thực như đưa vào sử dụng tuyến đường Cầu Dầm - Khánh Thành, nạo vét Ngòi Ngang (Khánh Thành), tuyến đường Chùa Chè - Nhuận Hải… Huyện được tỉnh cấp gần bảy nghìn tấn xi-măng để các xã làm giao thông và tu sửa các công trình thuỷ lợi. Ngoài ra, nhiều công trình phục vụ giáo dục, văn hoá, thể thao ở xã được hoàn thành và đưa vào sử dụng khiến bộ mặt nông thôn nhanh chóng khởi sắc. Sau hai năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đạt thêm từ một đến hai tiêu chí theo chuẩn quốc gia.
Phóng viên: Những kết quả bước đầu đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Khánh, theo đồng chí, là “bí quyết” gì?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Tôi nghĩ chưa hẳn là bí quyết mà vấn đề ở chỗ phải đề cao tính minh bạch, dân chủ trong quá trình thực hiện.
Tính minh bạch thể hiện là công khai những khoản người dân đóng góp, chung sức cùng xây dựng nông thôn mới. Phải rõ ràng từng khoản: Nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện lo đến đâu ? Nhân dân địa phương đóng góp như thế nào, dùng vào việc gì. Cơ chế “ dân bàn, dân kiểm tra” thực hiện đến đâu? Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ giữ vai trò vận động hội viên thực hiện ra sao?
Tất cả phải được bàn công khai trong các cuộc họp tại cơ sở.
Chỉ trong hai năm, các đoàn thể và chính quyền cơ sở tổ chức gần 400 hội nghị cấp thôn, xóm để bàn giải pháp xây dựng nông thôn mới.
Khi ý Đảng lòng dân hoà quyện một ý chí thì khó khăn mấy cũng vượt qua
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.
Nhật Minh (Theo NDO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cột tin quảng cáo