Khó cho vay, nhà băng vẫn lách trần huy động
Dù đã đạt 6,45% tính đến cuối tháng 8/2013, nhưng tín dụng tính đến ngày 20/9 lại sụt giảm còn 6,05%. Điều đáng ngạc nhiên là, dù khó cho vay, nhiều ngân hàng vẫn lách trần huy động.
Theo quy luật, vào quý IV hàng năm, tín dụng thường tăng mạnh. Năm nay, tín dụng cũng có dấu hiệu hồi phục nhẹ từ quý III, song việc tăng trưởng vẫn rất khó khăn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho hay, khách hàng tốt, đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng ngày càng khan hiếm.
Chưa kể, một lượng lớn dư nợ tín dụng đến kỳ đáo hạn khó có khả năng vay lại. Do đó, tín dụng thời gian tới rất khó tăng tốc, thậm chí là có nguy cơ bị hụt.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sau khi đến kỳ đáo hạn vay không còn vay tiếp nữa hoặc vay ít hơn. Ví dụ, có doanh nghiệp đáo hạn 1.000 tỷ đồng, nhưng chỉ vay tiếp 500 tỷ đồng, như vậy, tín dụng đang giảm, chứ không phải tăng. Theo tôi, năm nay, tín dụng chỉ có thể tăng tối đa 9%”, ông Trung nói.
Nhận xét của ông Trung hoàn toàn có lý, bởi chiểu theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thì tín dụng sau khi phục hồi trong tháng 8 đã có dấu hiệu giảm trong tháng 9.
Giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cũng cho hay: “Nếu như trước đây, đa phần ngân hàng thúc ép huy động vốn, thì nay, hầu hết là thúc ép thu hồi nợ và cho vay. Thế nhưng, giờ mang lãi suất thấp ra chào, doanh nghiệp cũng rất hờ hững do hàng bán chậm, sản xuất cầm chừng”.
Việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ đem lại rất nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhanh nhất cũng phải sang năm, những doanh nghiệp đã được VAMC mua nợ xấu mới có thể được tái cấp tín dụng.
Điều đáng ngạc nhiên là, dù ế vốn, không thể cho vay, song trên thị trường, hoạt động lách trần lãi suất huy động vẫn âm thầm diễn ra ở nhiều ngân hàng.
Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7%/năm (Ngân hàng Nhà nước đã thả nổi lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên). Tuy nhiên, tại không ít ngân hàng, các nhân viên vẫn chèo kéo khách hàng vay vốn với lãi suất 7,5 - 8,5%/năm cho các khoản tiền lớn với kỳ hạn 1 - 3 tháng.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ có nghịch lý này là do trên thị trường vẫn còn một số ngân hàng không thừa vốn. Có ba khả năng lý giải cho tình trạng này.
Thứ nhất, các ngân hàng này có tỷ lệ cho vay/vốn huy động tốt (ít xảy ra).
Thứ hai, trên thị trường vẫn còn một số ngân hàng yếu, nợ xấu, nợ mất vốn cao, buộc phải tăng lãi suất huy động để bù đắp và để đảm bảo thanh khoản cuối năm.
Thứ ba, thời gian qua, người dân gửi tiền cũng đã ý thức hơn về ngân hàng yếu, khỏe, nên đắn đo hơn khi gửi tiền vào ngân hàng nhỏ.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo