Thị trường

Khó thế chấp hàng tồn

Nhiều doanh nghiệp muốn thế chấp hàng tồn kho cho ngân hàng để vay tiền nhưng không dễ, phần vì bị ngân hàng làm khó, phần do không đáp ứng điều kiện vay

Một trong những khó khăn nhất hiện nay của hầu hết doanh nghiệp là tình trạng hàng làm ra không tiêu thụ được nên không có tiền quay vòng sản xuất, trong khi vẫn phải trả lương nhân công và lãi vay ngân hàng …

 

Giảm giá 40%-50% vẫn khó bán

 

Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty May túi xách Hương Mi (nhãn hiệu Hami) tại TP. Hồ Chí Minh, cho rằng đầu vào đã khó, nay người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng điêu đứng hơn vì bí đầu ra.
 

Mới đây, Hami phải đóng cửa một cửa hàng vì thua lỗ. “Hàng bán rất chậm, dù giảm giá 40%-50% vẫn khó bán. Nếu tiếp tục xuất hàng cho đại lý thì doanh nghiệp càng bị chôn vốn. Vì vậy, quan trọng nhất lúc này là kích thích tiêu dùng để bán được hàng” - ông Dũng nói.

 

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất khăn giấy cho biết mặt hàng khăn giấy, giấy vệ sinh cũng rất khó tiêu thụ, buộc doanh nghiệp ông phải cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, giảm lượng sản xuất để tránh bị đọng vốn. Dù vậy, do hàng tiêu thụ chậm nên các khoản vay của ngân hàng vẫn chưa thể trả được. “Ban đầu, doanh nghiệp đã lấy nguyên, vật liệu để thế chấp làm tài sản vay vốn lưu động nên nay không thể đem hàng tồn kho ra vay tiếp” - ông nói.
 

Theo kết quả khảo sát về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp thực hiện trên 10.000 doanh nghiệp cả nước vừa được Tổng cục Thống kê công bố, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể chiếm khoảng 8,4%, trong đó khoảng 15% doanh nghiệp phá sản do không tiêu thụ được sản phẩm, nhất là hàng hóa của ngành chế biến, chế tạo. Một số ngành khác có chỉ số tồn kho tăng cao là chế biến và bảo quản rau quả 123%, sản phẩm nhựa 89%, sản xuất xe có động cơ 56%, xi măng 52%, ô tô xe máy 42%...


Cần lãi suất thực


Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đang được Chính phủ triển khai, trong đó đáng chú ý là gói cứu trợ 29.000 tỉ đồng. “Giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước không thiếu, doanh nghiệp nên xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình, nhất là việc đầu tư đa ngành.
Nay phải cơ cấu lại, bỏ đi không thương tiếc” - PGS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, góp ý.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, ngoài các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất cho vay 14%-15%/năm là mức doanh nghiệp chấp nhận được nhưng phải là lãi suất thực, bởi dù trần lãi suất liên tục giảm trong ba tháng qua nhưng các doanh nghiệp vẫn phải vay lãi suất rất cao, từ 18%-20%/năm, thậm chí trên mức này.

 

Ngân hàng ngại “ôm”

 

Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng nên cho doanh nghiệp thế chấp hàng tồn kho để doanh nghiệp có vốn xoay xở. Theo các ngân hàng, phải xác định hàng tồn kho của doanh nghiệp là loại nào, mặt hàng gì mới có thể xem xét thế chấp được hay không.
 
Phó Tổng Giám đốc HDBank Phạm Thiện Long cho biết trước nay, trong 10 doanh nghiệp vay vốn kinh doanh chỉ khoảng hai doanh nghiệp thế chấp bằng bất động sản, số còn lại đều thế chấp hàng tồn kho hoặc các khoản phải thu (nguồn tiền hình thành trong tương lai).
 
“Đối với những doanh nghiệp nhỏ, có hàng tồn kho dễ vỡ, dễ hỏng, kém giá trị… thì các ngân hàng mới từ chối thế chấp” - ông Long nói. Thế nhưng, ngay bản thân các ngân hàng, đội ngũ nhân viên thẩm định giá từng loại mặt hàng như bột ngũ cốc, đường, cà phê, sắt, thép, xi măng… cũng như thời gian bảo quản của chúng đã là chuyện đau đầu.
 
Chính vì nhận thế chấp hàng tồn kho trong thời gian qua mà nhiều ngân hàng đang khốn đốn bởi loại hàng này rất khó định giá. Có mặt hàng nhận thế chấp xong, nay giảm giá mạnh buộc ngân hàng phải yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm nhưng doanh nghiệp không đáp ứng được.
 

“Nay ngân hàng muốn nhận thế chấp, phải xem hàng tồn kho của doanh nghiệp là gì, chẳng hạn có doanh nghiệp gỗ tồn kho tới 2.000 tỉ đồng nhưng là gỗ kém chất lượng, không bán được từ hai, ba năm nay. Có doanh nghiệp thế chấp kho hàng cà phê chỉ 100 tấn nhưng kê khống lên 1.000 tấn để vay vốn được nhiều, đến khi doanh nghiệp phá sản các ngân hàng mới té ngửa” - ông Phạm Thiện Long cho biết thêm.

 

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), cho rằng nếu hàng tồn kho của DN là mặt hàng phổ biến, đủ điều kiện sẽ được thẩm định theo giá thị trường và cho vay khoảng 60%-70% giá trị tài sản thế chấp. Với mỗi mặt hàng, ngân hàng sẽ thẩm định giá trị khác nhau, tùy theo giá trị sử dụng của nguyên liệu.

 

Theo TS Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, hàng tồn kho liên quan đến hệ thống kênh phân phối, bán hàng… Vì vậy, doanh nghiệp nên phân nhóm hàng cụ thể, mở rộng kênh tiêu thụ, tìm kiếm thị trường, thậm chí có thể đưa sang Lào, Campuchia để bán. Ở góc độ khác, một số chuyên gia kinh tế cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ nên không thể ép họ nhận thế chấp hàng tồn, hàng ế… của doanh nghiệp, bởi nó có thể làm gia tăng nợ xấu cho ngân hàng.

 

Theo NLĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo