Khó tiếp cận vốn vay 15%
Hạ rồi vẫn còn cao
Trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 14 quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với bốn lĩnh vực (phục vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển công nghiệp hỗ trợ) khống chế không vượt 15%, một số ngân hàng đã tung ra một số gói với lãi suất dưới 15%/năm, có nơi 13 - 14%/năm. Thế nhưng dòng vốn giá rẻ này không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.
Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất vay 15%/năm, một số khoản vay của công ty hiện nay đang ở mức 17 - 18%/năm. Việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm còn mới nên chưa biết doanh nghiệp có tiếp cận được vốn rẻ này hay không.
Theo ông Đỗ Duy Thái, các công ty lớn thường gặp thuận lợi hơn trong việc vay mượn tiền ngân hàng trong thời gian gần đây. Công ty có khoảng 500 đại lý và những đại lý này nếu vay được vốn ngân hàng cũng ở mức trên 20%/năm. Những công ty nhỏ thường không có tài sản thế chấp ngân hàng nên việc tiếp cận vốn khó khăn hơn. Nếu lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về được 15%/năm mà không cộng thêm các khoản phí nào (như đã xảy ra trước đây) thì đó là điều đáng mừng.
Mặc dù được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất vay 15%/năm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Út Xi - vẫn cho đây là mức lãi suất cao. Với mức lãi suất này, doanh nghiệp trong nước vẫn khó cạnh tranh hàng xuất khẩu đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng chứ không dám mở rộng quy mô sản xuất hay làm dự án gì. Ông Tuấn Anh tỏ ra lo lắng tháng 7, tháng 8 tới đây là vào mùa vụ, nếu lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, cùng giá nguyên liệu cao thì tình hình của doanh nghiệp sẽ vẫn khó khăn.
Giải pháp vốn rẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là vay vốn USD với LS từ 5,5 - 7,5%/năm với điều kiện doanh nghiệp bán lại USD cho ngân hàng. So với lãi suất vay tiền đồng 15%/năm, lãi suất vay USD thấp hơn từ 7,5 - 9,5%/năm. Thế nhưng tỷ trọng vay USD trong tổng dư nợ của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 30 - 40% vì một số doanh nghiệp muốn vay USD nhiều hơn nhưng ngân hàng thông tin nguồn USD hiện nay đang hạn hẹp. |
Vốn rẻ ít
TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - nhận xét: Lãi suất cho vay về 15%/năm là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên doanh nghiệp không tiếp cận được nhiều.
Theo số liệu thống kê, trong thời gian qua có khoảng 40% doanh nghiệp, tương đương với 250.000 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn với ngân hàng với lãi suất vay 17%/năm. Sở dĩ doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng giá rẻ là do số vốn này quá ít so với nhu cầu vay.
Đó là lý do, nhiều doanh nghiệp vẫn nghi ngại liệu có bao nhiêu ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay 15%/năm, bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng mức này. Hay lại xảy ra tình trạng trên hợp đồng ghi 15%/năm nhưng doanh nghiệp lại phải chi các khoản khác làm cho chi phí vốn vay tăng lên...
Theo công bố gần đây nhất vào ngày 2/5, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng về mức thấp: kỳ hạn một tháng 8,48%/năm; ba tháng: 10,76%/năm; sáu tháng: 10%/năm; 12 tháng 12%/năm. Đây là điều kiện để giảm lãi suất huy động trong dân cư xuống. Thế nhưng các ngân hàng dư vốn lại đổ vốn vào thị trường mở thay vì cho doanh nghiệp, khách hàng vay bởi lo ngại nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra biên giữa lãi suất huy động và cho vay 3%/năm (lãi suất huy động 12%/năm, cho vay 15%/năm) nhưng trên thực tế một số ngân hàng vẫn còn thỏa thuận lãi suất huy động đối với khách hàng lên 14 - 15%/năm, nên xem ra doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận mức lãi suất cho vay 15%/năm.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo