Khổ vì lệ phí, thủ tục!
Khoảng 600 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam đã tham gia buổi đối thoại với Bộ Tài chính xung quanh những vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP HCM hôm 6-11.
Rắc rồi với… 20.000 đồng!
Ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn, cho biết mỗi lần mở tờ khai hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, DN phải nộp lệ phí 20.000 đồng. Do quy định không cho nộp tiền mặt, DN phải chuyển khoản qua kho bạc, tốn phí 16.500 đồng. Có điều, nếu DN thanh toán chậm sẽ bị đưa vào diện nợ thuế và bị cưỡng chế, trong khi tiền thuế DN nộp hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỉ đồng lại không chậm.
Còn bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Châu Quốc Đạt (quận Gò Vấp, TP HCM), kể tháng 4-2013, công ty bà bất ngờ nhận được “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn” của Cục Thuế TP HCM xử phạt việc không đăng ký tiếp tục sử dụng hóa đơn của DN, mức phạt 12 triệu đồng. Trước đó, tháng 12-2010, công ty có nộp thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định nhưng Chi cục Thuế quận Gò Vấp không nhận với lý do DN siêu nhỏ, cơ quan thuế tự theo dõi được.
“DN làm đơn khiếu nại, Cục Thuế TP trả lời đã quá thời hạn khiếu nại quyết định xử phạt nên không giải quyết. Từ tháng 4-2013 đến nay, công ty nhận được 14 thông báo nộp phạt và 1 quyết định cưỡng chế, phong tỏa tài khoản ngân hàng từ cơ quan thuế, trong khi thực chất DN không có lỗi” - bà Nguyệt bức xúc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Cục Thuế TP HCM phải có trách nhiệm giải quyết trường hợp của DN này ngay trong tháng 11, nếu không DN cứ làm đơn gửi lên bộ. Về vấn đề DN bị cưỡng chế vì nợ 20.000 đồng lệ phí, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết bộ đã có quy định DN nợ phí không được coi là nợ đọng thuế để đưa vào diện cưỡng chế, nếu DN nào bị tình trạng này cần thông báo với Tổng cục Hải quan. “20.000 đồng nợ phí là cái cớ để gây khó cho DN thì chúng ta phải xử lý ngay” - ông Tuấn nói.
Nhiều khoản thu bất hợp lý
Nhiều DN phản ánh tình trạng ngành hải quan trang bị máy soi chiếu container, kiểm tra hàng hóa nhưng lại bắt DN nộp phí soi chiếu là không ổn. Hàng hóa được hải quan xác định luồng đỏ phải kiểm tra qua máy soi container là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, không thể bắt DN phải tăng thêm chi phí.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Đây là phí do các công ty kinh doanh cảng đặt ra, là việc làm vi phạm pháp luật nên bộ đã lên tiếng, đề nghị Tổng cục Hải quan có văn bản, công khai cảng nào có thu khoản phí này”.
Trong khi đó, đại diện Công ty Liên doanh Đại Dương - kinh doanh dịch vụ khách sạn ở TP HCM - đang đau đầu vì cách tính thuế TNCN từ trò chơi có thưởng. Từ năm 2003, DN được cấp phép kinh doanh hoạt động này và đến năm 2009, Luật Thuế TNCN ra đời. Đến tháng 9-2009 mới có thông tư hướng dẫn, yêu cầu xác định thu nhập của từng người chơi với từng vụ chơi. “Cách tính thuế của ngành thuế ở mỗi giai đoạn khác nhau gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Vì luật không rõ ràng nay lại bị truy thu thêm, rồi phạt chậm nộp, DN đã khiếu nại lên Tổng cục Thuế nhưng 5 tháng nay chưa được giải quyết” - đại diện Công ty Đại Dương phản ánh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đồng tình với DN và khẳng định những quy định, thủ tục thuế, hải quan chưa hợp lý, gây phiền hà cho DN sẽ được tháo gỡ, đơn giản tối đa.
“Tuổi thọ” thông tư quá ngắn!
Theo ông Nguyễn Thái Linh, có quá nhiều thông tư được ban hành nhưng không sát với thực tiễn hoạt động của DN, có thông tư vừa ban hành chưa kịp thực thi đã sửa đổi bổ sung, tuổi thọ vỏn vẹn chỉ 1 năm, DN và cán bộ thuế tập huấn chưa kịp “thuộc bài” đã hủy bỏ thay thế bằng thông tư mới. Điều này khiến DN và cán bộ thuế mất nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững