Khó xác minh doanh nghiệp điện, xăng lỗ thật hay không?
Sáng 25/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thống kê (sửa đổi). Đánh giá tác động dự thảo Luật, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, tính độc lập của số liệu thống kê tài chính cũng được xem là một thách thức đối với Hệ thống thống kê Việt Nam.
Lấy dẫn chứng về tính độc lập, độ chính xác trong các số liệu thống kê báo cáo nợ công năm 2012, Bộ trưởng Vinh nói: “Theo Bộ Tài chính khoảng 55,4% GDP, nhưng báo cáo của nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực doanh nghiệp nhà nước thì khoảng 16,5% GDP, cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh dẫn chuyện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, rồi điện thường xuyên báo cáo lỗ nhưng lại rất khó xác minh tính chuẩn xác họ có lỗ thật hay không. “Có nhiều số liệu thống kê không thể thống kê chính xác được, như các số liệu trong các ngành điện lực, xăng dầu luôn biến động, thường xuyên báo cáo là kinh doanh thua lỗ và phải tăng giá để bù lỗ hoặc điều chỉnh quỹ hỗ trợ giá các mặt hàng này, nhưng cũng không có cơ chế để kiểm soát tính chính xác của các con số vì chỉ có thể dựa vào báo cáo của doanh nghiệp đó", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thêm.
Nói thêm về vấn đề này, ông Vinh cho biết thêm, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thường xuyên phải trả lời những câu hỏi của các ĐBQH trước những con số khác nhau về cùng một vấn đề, ví như số liệu về lạm phát, tăng trưởng…
“Điều này cho thấy nhận thức và trách nhiệm, cũng như việc chấp hành Luật Thống kê là chưa tốt dẫn đến nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu; nguồn thông tin của các Bộ, ngành bị khép kín, không chia sẻ cho cơ quan thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình. Trách nhiệm của người sử dụng thông tin thống kê còn chưa hiểu các con số thống kê phản ánh gì để sử dụng đúng mục đích và đưa ra những chính sách cho phù hợp”, ông Vinh nhận định.
Vì lẽ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội các phương án nhằm nâng cao giá trị pháp lý và tính độc lập, khách quan, trung thực của thông tin thống kê chính thức.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, nếu chọn lựa giải pháp có lợi nhất đối với hoạt động thống kê thì dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) cần phải kết hợp và thể hiện rõ các giải pháp quy định tại phương án 2B (tăng cường các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động thống kê và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê, tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ) và 2C (hình thành cơ chế giám sát số liệu thống kê thông qua việc thành lập và thúc đẩy hoạt động của Hội đồng thống kê quốc gia. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay và tương ứng với mô hình tổ chức của ngành Thống kê, thì phương án tối ưu, đem lại nhiều lợi ích và ít chi phí nhất là lựa chọn các giải pháp tại phương án 2B. Theo đó, phương án 2B theo hướng tăng cường các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ cho hoạt động thống kê và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê, tăng cường các điều kiện bảo đảm hoạt động, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ.
Quan trọng, phương án này nâng cao trách nhiệm quản lý về ngành, lĩnh vực của Cơ quan Thống kê Trung ương thông qua quy định cụ thể trách nhiệm, phạm vi, giá trị thẩm định chuyên môn thống kê của Cơ quan Thống kê Trung ương đối với phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê cơ sở, chế độ báo cáo thống kê tổng hợp thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu quan điểm, cần khẳng định nguồn dữ liệu hành chính đưa vào Luật Thống kê (sửa đổi) lần này như là một nguồn thông tin đối với thống kê chính thức. Từ đó, hệ thống thống kê Nhà nước có thể khai thác cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính phục vụ cho hoạt động thống kê chính thức nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tiết kiệm chi phí.
Nhận định về tác động của những con số thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội.
“Do vậy đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, có ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh hoạt động thống kê nhà nước, còn hoạt động thống kê ngoài nhà nước nên được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành khác như Luật dân sự, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…”, ông Giàu đề xuất.
Ông Giàu cho rằng việc quy định thống kê ngoài nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp theo Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) bao gồm 09 Chương, 74 Điều (tăng 1 chương, 32 điều so với Luật thống kê năm 2003). Quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước (Điều 1); quy định danh mục chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (khoản 4 Điều 16); Bổ sung quy định về: hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10), quy định về xử lý vi phạm (Điều 11), phân loại thống kê quốc gia (Điều 23), tổng điều tra thống kê quốc gia (Điều 28), quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của điều tra viên thống kê (điểm a khoản 2 Điều 33), về dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (Điều 36, 37, 38, 39, 42 và Điều 43), chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia (Điều 45), quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê, quyền được cung cấp, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hành chính (khoản 1 Điều 47), tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thống kê trung ương trong lĩnh vực thống kê nhà nước (Điều 35, Điều 62), các mức độ của số liệu thống kê được công bố (khoản 2 Điều 54), về sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố (Điều 59, 61 và Điều 62)… |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông