Khó xử lý thương lái Trung Quốc gây nhiễu thị trường
Ban chỉ đạo Chống buôn lậu hàng giả và gian lận Trung ương (Ban chỉ đạo 127 TW) nhận định, việc thương lái nước ngoài trực tiếp tổ chức mạng lưới thu gom hàng hóa của người nông dân là vi phạm quy định của Việt Nam.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Nha Trang, phát hiện 3 trường hợp vi phạm. Trong đó, hai trường hợp thương nhân Trung Quốc có hành vi hoạt động thương mại trái phép trên lãnh thổ Việt Nam và một trường hợp không lập hóa đơn khi bán dịch vụ.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hai thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và đến Nha Trang bằng hộ chiếu du lịch. Trong thời gian lưu trú tại địa phương, họ đã trực tiếp có mặt tại Cảng cá Vĩnh Lương để mua gom cá hố của ngư dân đánh bắt từ biển. Sau đó, thuê phương tiện vận chuyển đến doanh nghiệp chế biến thủy sản để phân loại, đóng gói và cấp đông chờ đủ số lượng xuất khẩu.
Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi thương nhân Trung Quốc 15 triệu đồng và xử lý tịch thu tổng cộng 40,75 tấn cá hố đông lạnh.
Gần đây nhất nổi lên tình trạng một số thương lái Trung Quốc núp bóng khách du lịch đến thu mua cua biển tại tỉnh Cà Mau rồi bỏ trốn, không trả tiền. Số tiền người dân bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, thương lái Trung Quốc đã có mặt ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước... Thủ đoạn của họ là thời gian đầu mua cua với giá cao, trả tiền sòng phẳng để tạo uy tín. Sau khi được người dân tin tưởng, họ trả tiền nhỏ giọt, lấy cua đợt này mới trả dứt điểm tiền cua đợt trước. Khi số nợ lớn dần, bị đòi tiền thì chuyển sang mua cua của người khác để tiếp tục khất nợ. Tới khi tổng số nợ lên đến tiền tỷ thì họ “chuồn”.
Thương lái Trung Quốc còn yêu cầu người bán phải trói cua bằng dây do Trung Quốc sản xuất và họ là người cung cấp thì mới mua hàng. Đồng thời phải ứng tiền trước để họ mua dây, nếu không, họ làm đủ cách để ép giá cua xuống thấp.
Theo Ban chỉ đạo 127 TW, việc thu gom nông sản, thủy sản tận cơ sở sản xuất của thương nhân Trung Quốc tại thị trường Việt Nam đã gây xáo trộn thị trường trong nước. Giá các loại nông sản, thủy sản bị đẩy lên mức cao bất thường gây tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, các thương nhân Trung Quốc khi bị kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm luôn tìm cách gây khó khăn, cản trở cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát như không hợp tác để làm rõ vụ việc, đổ lỗi cho chưa hiểu biết pháp luật Việt Nam, thừa nhận và ký biên bản vi phạm hành chính nhưng không nhận quyết định xử phạt và bỏ trốn...
Từ việc tranh mua, tranh bán, các doanh nghiệp chế biến, gia công thủy sản trên địa bàn tỉnh đã mất đi nguồn nguyên liệu lớn, hoạt động cầm chừng, người lao động thiếu công ăn, việc làm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản.
Do các thương nhân nước ngoài dùng hình thức mua gom không phân biệt chất lượng, kích cỡ các loại cá nên số đông ngư dân đã dùng lưới giã cào để đánh bắt tận diệt các loài thủy sản.
Điều này dẫn đến khả năng nguồn sinh trưởng và sự phát triển các loại thủy sản bị cạn kiệt. Hoạt động mua gom thủy sản của thương nhân nước ngoài đã gây thất thu nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp của địa phương do hoạt động thương mại trái phép.
Gần đây, do lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã tập trung kiểm tra việc mua gom thủy sản của thương nhân nước ngoài nên tình hình hoạt động thương mại trái phép trên địa bàn đã tạm lắng dịu.
Tuy nhiên, các thương nhân nước ngoài vẫn lén lút mua gom thủy sản để xuất khẩu, núp bóng một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hoạt động thương mại bất hợp pháp. Vấn đề phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp này rất phức tạp do không có đủ chứng cứ vi phạm cũng như thiếu cơ sở pháp lý để xử lý hành vi vi phạm.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc quản lý cách thức thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu còn thiếu chặt chẽ, tạo nhiều kẽ hở đối với hoạt động thương mại của các thương nhân Trung Quốc.
Vì vậy, cần thắt chặt việc thu đổi ngoại tệ mới có thể kiểm soát việc thu mua hàng hóa. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm giữ giá ổn định, tránh chuyện tranh mua tranh bán.
Để quản lý hoạt động thu mua nông sản, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới