Khoa học - Công nghệ

Băn khoăn đi tìm hậu duệ rùa Hồ Gươm

Mới đây, Tổ chức Bảo tồn rùa châu Á công bố giải trình tự gene cá thể rùa hồ Đồng Mô chính là rùa Hồ Gươm.

Bí quyết gì giúp rùa sống lâu, vì sao rùa thở được bằng mông? / Kinh hoàng cá sấu lao từ dưới biển tóm rùa lớn

Ảnh minh họa/INT

Là người có trên 20 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, PGS.TS Hà Đình Đức, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) thấy vẫn còn nhiều băn khoăn.

Rùa hồ Hoàn Kiếm là loài duy nhất

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, cách đây chục năm, Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã đặt vấn đề nghiên cứu tìm kiếm cá thể rùa Hồ Gươm sống ở nơi khác để ghép đôi nhằm mục đích bảo tồn loài.

Từ năm 2006, khi phát hiện ra hồ Đồng Mô cũng có khả năng có ít nhất một cá thể rùa Hồ Gươm, ông đã không đồng tình về phân loài. Dù đã đến tận nơi và nghiên cứu trên ảnh chụp, ông thấy cá thể rùa hồ Đồng Mô hoàn toàn khác về hình thái rùa Hồ Gươm.

Rùa Hồ Gươm là loài rùa mới, thế giới đặt tên khoa học là Rafetus leloii vì loài rùa này gắn liền với truyền thuyết vua Lê trả gươm trên hồ Lục Thủy vào thế kỷ 15, hồ đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm).

 

Từ “Rafetus” là tên chi rùa, từ này bắt nguồn từ tên sông Raft ở Ấn Độ. “leloii” là tên loài, mang tên Lê Lợi. Người gắn liền với truyền thuyết trả Gươm báu cho Thần Rùa.

Theo quy tắc, tên loài là một từ, không viết hoa, nên hai từ Lê Lợi viết liền nhau thành leloi, và thêm ký tự ‘i’ thành leloii.

Trong Hội thảo Quốc tế “Phát triển bền vững - Thủ đô Hà Nội - thành phố Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình” trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một lần nữa PGS.TS Hà Đình Đức lại công bố về Rùa Hồ Gươm loài rùa mới cho khoa học.

“Có thể khẳng định, Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á chưa bao giờ nghiên cứu Rùa Hồ Gươm ở Hồ Gươm mà chỉ nghiên cứu điều tra về giống rùa Rafetus. Rùa Đồng Mô và rùa Trung Quốc không phải là Rùa Hồ Gươm”, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết.

Loài Rùa Hồ Gươm có kích thước lớn nhất trong các loài rùa nước ngọt ở Đông Nam Á, cũng như trên thế giới. Cá thể rùa Hồ Gươm có đốm trắng trên đỉnh đầu và hơi lệch về bên trái. Mắt tròn hơi hướng lên trên, nhưng không nhô cao lên khỏi bề mặt của đầu. Hai lỗ mũi mở ra ngang giới hạn phía trước của xương trước hàm. Hàm sừng màu trắng ngà bao lấy xương trước hàm. Môi thịt bao lấy bờ ngoài hàm trên và nửa sau hàm dưới. Mặt lưng đầu, cổ và mai màu xám nhạt. Mặt dưới cằm, cổ và yếm màu hồng nhạt.

 

Mai hình bầu dục, sống mai hơi lõm, không có đốm hay vằn. Trên mai phủ lớp da mềm diềm tỏa ra quá bờ ngoài xương mai. Mép diềm da mỏng, phía sau kéo dài và hơi khum. Hàm sừng trên bao lấy xương trước hàm và nửa trước xương hàm trên. Hàm sừng dưới bao lấy nửa trước xương răng và phần trước xương vành. Chi rất khỏe, bàn chân có màng bơi xòe rộng và có 3 móng sừng lớn.

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, trong sử sách cũng như trong huyền thoại không có bất cứ một tài liệu hoặc câu chuyện nào kể đến một loài rùa to đã từng sống trong hồ Lục Thủy.

Mãi đến thế kỷ XV người ta mới biết đến loài rùa này qua truyền thuyết Hoàn Gươm của vua Lê. Cho đến nay, chưa có tài liệu hoặc thông tin nào nói về loài rùa to này có ở bất cứ một thủy vực nào của Hà Nội.

Dựa trên kết quả nghiên cứu so sánh về hình thái với các loài rùa mai mềm lớn trên thế giới, cũng như ở Đông Nam Á và trao đổi với các chuyên gia nghiên cứu rùa quốc tế, như: GS Kraig Adler - Trường Đại học Cornell (Mỹ) và hai chuyên gia khác là TS William P. McCord và TS Patrick J. Baker, PGS.TS Hà Đình Đức nhận thấy loài rùa Hồ Gươm hoàn toàn sai khác.

PGS.TS Hà Đình Đức.

 

Hồ Gươm chỉ có một “cụ rùa”

“Có người nói ở Hồ Gươm có 2 - 3 “cụ rùa”. Nhưng từ khi tôi bắt đầu nghiên cứu cho tới lúc “cụ” ra đi, tôi khẳng định là Hồ Gươm chỉ có duy nhất một “cụ rùa”.

Thậm chí, ngay cả khi “cụ” yếu, mọi người cũng run khi quyết định đưa “cụ” lên. Thấy 2 vệt nước sủi tăm, nhiều người bảo có 2 “cụ rùa”, sau khi vớt “cụ” lên thì họ cho rằng còn một “cụ” khác, có thể to hơn. Thế nhưng, có đâu mà bắt. Cá nhân tôi nhận thấy, “cụ rùa”có những hành động thực sự rất khó lý giải”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.

Trong rất nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí từ hàng chục năm trước, PGS.TS Hà Đình Đức luôn bày tỏ nỗi canh cánh phải tìm nguồn bổ sung, vì ông khẳng định hồ Hoàn Kiếm chỉ có duy nhất một “cụ rùa”. Năm 2016 thì “cụ rùa” chết, ông cũng là người tư vấn làm tiêu bản để làm sao trông “cụ” giống nhất như khi còn sống. Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhưng hễ nghe tin ở đâu có hậu duệ của “cụ” là ông lại lên đường.

Cả cuộc đời PGS.TS Hà Đình Đức gắn bó với Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn còn rất nhiều trăn trở với loài rùa Hoàn Kiếm.

 

Ngày 18/12/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng với sự phối hợp của Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) đã công bố kết quả xác định giới tính rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô (Hà Nội).

Kết quả xét nghiệm gene được công bố bởi các nhà khoa học đã khẳng định rằng cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10/2020 là loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), loài rùa mai mềm đang gần bên bờ tuyệt chủng, loài rùa này còn có tên gọi là Giải Sin-hoe - Rùa Hoàn Kiếm.

PGS.TS Hà Đình Đức cũng đã đến tận nơi xem cá thể rùa bẫy được này. Ông bảo dù kết quả giám định gene trùng khớp với rùa Hồ Gươm, nhưng ông vẫn còn rất "lăn tăn". Bởi về hình thái bên ngoài thì cá thể rùa ở hồ Đồng Mô và Xuân Khanh không giống “cụ rùa” Hồ Gươm như ông vẫn biết từ trước đến nay. Để phân loại rùa, người ta dựa vào các đặc điểm hình thái và xét nghiệm gene. Cá thể rùa hồ Đồng Mô theo quan sát của ông không có các đặc điểm giống rùa Hồ Gươm.

“Tôi quan sát thì thấy đầu rùa này nhọn hơn, mõm nhọn hơn, lại có hoa văn rất khác. Cấu tạo của mắt rùa cũng không giống rùa Hồ Gươm tôi biết. Tôi không có kiến thức về gene hay công nghệ di truyền, nhưng tôi thấy nghi ngờ lắm. Rùa Hồ Gươm là loài rùa mới, đặc hữu, hiếm có, nhưng rùa ở Đồng Mô này trông có nhiều đặc điểm giống các loài rùa thông dụng phổ biến. Tôi cho rằng, có khả năng nó là cùng là loài rùa đó, nhưng thuộc chủng khác, giống khác… Hy vọng các nhà khoa học sẽ làm rõ điều này bằng chứng cứ cụ thể”, PGS.TS Hà Đình Đức băn khoăn.

Hiện, có hai tiêu bản rùa Hồ Gươm. Tiêu bản thứ nhất mất ngày 20/6/1967 và tiêu bản thứ hai mất ngày 19/1/2016. Tiêu bản thứ hai được xử lý nhựa hóa theo công nghệ hiện đại của Đức, có thể bảo quản lâu dài.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm