Bức tranh bán lẻ 2025: Đa kênh dẫn lối, công nghệ nâng tầm
Đột phá về công nghệ để thay đổi bản chất tăng trưởng kinh tế / Phát động giải thưởng Sao Khuê 2025: Vinh danh những giải pháp công nghệ số xuất sắc
Theo Sapo, năm 2024 là cột mốc quan trọng khi có 33% nhà bán hàng ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhờ áp dụng chiến lược bán hàng đa kênh và quảng cáo trực tuyến hiệu quả, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn còn đến 66% doanh nghiệp chưa thể chạm đến tăng trưởng, trong đó nhiều đơn vị bị sụt giảm doanh thu hơn 10%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chưa bắt kịp các công cụ công nghệ mới và thiếu đầu tư vào các nền tảng quảng bá hiện đại.
Bán hàng đa kênh đang trở thành một trong những xu hướng nổi bật nhất, khi 55,7% nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu nhờ vào việc tích hợp nhiều kênh bán hàng. Tính đồng bộ giữa các nền tảng như TikTok Shop, Shopee và Facebook không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tối đa hóa doanh thu.
Theo bà Lê Thị Dung - Giám đốc Tăng trưởng của Sapo, nhà bán hàng không chỉ hiện diện đa kênh mà còn tích hợp sâu giữa các kênh, lấy người mua làm trung tâm để tạo trải nghiệm liền mạch, nâng cao cạnh tranh và doanh thu.
“Hợp kênh giúp doanh nghiệp tập trung dữ liệu khách hàng để xây dựng chương trình loyalty, tăng tỷ lệ mua lại và tối đa hóa doanh thu. Quản lý bán hàng hợp kênh là xu thế tất yếu của ngành bán lẻ”, bà Dung nhấn mạnh.
Báo cáo của Sapo nhận định, 2025 sẽ là năm đầy hứa hẹn với xu hướng số hóa doanh nghiệp trở thành chiến lược trọng tâm. Theo khảo sát, có 46% nhà bán hàng dự định mở thêm kênh bán hàng, trong đó nổi bật là các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop và các mạng xã hội. Việc đầu tư vào các công cụ quản lý hiện đại như hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý khách hàng (CRM) và hệ thống quản lý nhân sự không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành mà còn gia tăng khả năng tự động hóa quy trình, mang lại hiệu quả cao hơn.
Đặc biệt, thanh toán không tiền mặt tiếp tục là xu hướng chủ đạo. Hiện tại, đã có 94,4% nhà bán hàng áp dụng ít nhất một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, với chuyển khoản qua mã VietQR hoặc các thiết bị thanh toán NFC ngày càng trở nên phổ biến. Sự tiện lợi của thanh toán không tiền mặt không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn giảm thiểu sai sót và tăng cường tính bảo mật.
Dự báo, trong năm 2025, các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ sẽ bắt đầu tích hợp các giải pháp thanh toán hiện đại hơn vào hệ thống quản lý bán hàng của mình, tạo nên sự thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh.
Livestream và thương mại xã hội (social commerce) được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trên các nền tảng như TikTok, Facebook và Instagram. Các nhà bán hàng nhỏ lẻ đang tận dụng tối đa sức mạnh của các phiên livestream để tương tác trực tiếp với khách hàng, kết hợp với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thúc đẩy doanh thu.
Theo số liệu báo cáo, 21% nhà bán hàng đã mở rộng hoạt động kinh doanh trên TikTok Shop – một nền tảng đang chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ với chi phí thấp.
“Các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua mini game có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận, đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng”, bà Lê Thị Nga - Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping chia sẻ.
Ngoài ra, việc sử dụng các video ngắn và hình thức tiếp thị liên kết cũng đang là xu hướng phổ biến. Các nội dung sáng tạo, mang tính tương tác cao không chỉ giúp xây dựng uy tín thương hiệu mà còn tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng. Nhà bán hàng được khuyến khích đầu tư vào sản xuất nội dung chất lượng cao và áp dụng các công cụ hỗ trợ như AI để tối ưu hóa quảng cáo và phân tích dữ liệu khách hàng.
Theo Sapo, 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Vì vậy, đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí: 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.
Mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn TMĐT (23%) và TikTok Shop (21%).
Để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng. Nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, bảo đảm được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.
Báo cáo khảo sát của Sapo khuyến nghị, năm 2025, các nhà bán hàng cần thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Khách hàng hiện nay đòi hỏi những trải nghiệm mua sắm liền mạch, từ việc giao hàng nhanh chóng, các chương trình khuyến mãi độc đáo, đến dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ cải tiến công nghệ mà còn tập trung vào việc cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Sapo, với vai trò là đối tác công nghệ hàng đầu, cam kết hỗ trợ nhà bán hàng bằng các giải pháp tiên tiến như hệ thống quản lý bán hàng tích hợp AI và công cụ tối ưu hóa quy trình. Từ việc quản lý khách hàng đến vận hành bán hàng đa kênh, những giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2025 sẽ là thời điểm để các nhà bán hàng tại Việt Nam tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử, thương mại xã hội và các công nghệ mới để tạo nên bước đột phá trong kinh doanh. Bằng cách xây dựng chiến lược dài hạn dựa trên số hóa, đổi mới và tận dụng xu hướng công nghệ, doanh nghiệp có thể tự tin tiến vào tương lai với vị thế vững chắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ưu tiên phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi
Hai phi hành gia lạc quan dù mắc kẹt ngoài không gian
Bức tranh bán lẻ 2025: Đa kênh dẫn lối, công nghệ nâng tầm
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam: Bước khởi đầu đầy hứa hẹn
Sàn giao dịch công nghệ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển giao công nghệ