Khoa học - Công nghệ

Cần "đòn bẩy" chính sách để phát triển bền vững năng lượng tái tạo

DNVN - Điểm quan trọng của chuyển dịch năng lượng chính là chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Với sự phát triển "nóng" của năng lượng tái tạo thời gian qua, Việt Nam cần các "đòn bẩy" chính sách để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021 / Hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng
Tại Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Hướng đến phát triển bền vững do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 13/10, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những mảng chính yếu của chuyển dịch năng lượng chính là công tác xây dựng chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị khoá XII nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”. Đồng thời đặt ra nhiệm vụ “xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch”.
Năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua.

Về cơ chế, Chính phủ đã ban hành các quyết định liên quan đến phát triển điện mặt trời, phát triển điện gió, phát triển điện sử dụng chất thải rắn.
Đề cập đến xu hướng chính phát triển năng lượng trên thế giới được quan tâm hiện nay, ông Đặng Hải Anh - Trưởng phòng Dầu khí, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho rằng, thế giới đã dịch chuyển dần từ dầu sang khí, tăng cường tích hợp lọc - hóa dầu, phát triển năng lượng tái tạo, sự phát triển của nền kinh tế methanol và hydro, chuyển hóa CO2, tiết kiệm năng lượng…
Phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, đối với Việt Nam, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững. Theo đó, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
Hệ lụy khi năng lượng tái tạo phát triển "nóng"
Ông Phạm Nguyên Hùng đánh giá, nhờ các chính sách khuyến khích nêu trên, thời gian qua, nhất là trong 2 năm 2019-2020, đã có sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo ở Việt Nam (đặc biệt là điện mặt trời).
Tính đến hết ngày 31/12/2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác. Tổng công suất lắp đặt điện năng lượng mặt trời chiếm hơn 25% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.
Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5 và 6/2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác.
Tuy nhiên, ông Hùng nhận định, sự phát triển "nóng" của năng lượng tái tạo cũng mang đến những hệ luỵ không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500 kV, tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí. Ngoài ra, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.
Các đòn bẩy chính sách
Cùng quan điểm, bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần dự án 4E - EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ cho rằng, sự phát triển nhanh của điện mặt trời đưa đến những hệ lụy nhất định. Do đó, việc sử dụng chính sách thế nào cho hiệu quả là điều cần bàn.
"Đòn bẩy chính sách thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch năng lượng. Trong đó có 3 đòn bẩy chính sách nền tảng cho vấn đề chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Đó là cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm (tức nguồn nhân lực thúc đẩy năng lượng sạch); cơ chế dài hạn và cân bằng những với những dạng năng lượng khác; giảm sâu phát thải CO2", bà Mai chia sẻ.
Việc chuyển dịch năng lượng tái tạo bền vững cần đảm bảo 4 yếu tố. Đó là, công nghệ - vai trò trung tâm trong quá trình chuyển dịch trong mọi thời kỳ, cạnh tranh kinh tế của giá thành sản xuất, thị trường mở cho phép cạnh tranh để sản phẩm có giá cạnh ranh với chất lượng tốt hơn và cơ chế chính sách hỗ trợ đủ hấp dẫn đầu tư.
Trong khi đó, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cho biết, 2 trụ cột chính của chuyển dịch năng lượng là công nghệ năng lượng tái tạo và công nghệ hiệu quả năng lượng. Với xu hướng phát triển hiện nay, công nghệ năng lượng sạch đóng góp khoảng 70% tổng lượng giảm phát thải CO2 đến năm 2050. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ trong xu hướng này.
Chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng là xu hướng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Việt Nam còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng và giảm phát thải môi trường.
"Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần tích hợp một cách hài hòa và có lộ trình việc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, với khuyến khích thúc đẩy công nghệ hiệu quả năng lượng để thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam", ông Lương khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm