Khoa học - Công nghệ

Chi cho khoa học công nghệ chưa đạt mức tối thiểu

DNVN - Việc huy động các nguồn lực cho khoa học công nghệ và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả. Trong đó, chi cho khoa học công nghệ chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước và chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP...

Ưu tiên phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi / Bức tranh bán lẻ 2025: Đa kênh dẫn lối, công nghệ nâng tầm

Thông tin được Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý báo cáo tại hội nghị toàn quốc về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức sáng 13/1.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị. (Ảnh: VGP).

Sự kiện được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự, chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết, theo Nghị quyết 57 được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/204, khoa học và công nghệ được xác định là động lực chính để phát triển sản xuất hiện đại, hoàn thiện quản trị quốc gia và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nghị quyết nhấn mạnh tính cách mạng toàn diện, sâu sắc của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân.

Các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57 bao gồm thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Đặc biệt, thể chế là điều kiện tiên quyết, cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để khuyến khích sáng tạo, thay vì áp dụng tư duy “không quản được thì cấm”. Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, và nhanh chóng làm chủ công nghệ chiến lược.

Việt Nam đặt mục tiêu tự chủ công nghệ ở những lĩnh vực chiến lược, chú trọng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, tiến tới cạnh tranh công nghệ. Đồng thời, an ninh mạng, an toàn dữ liệu cá nhân và tổ chức được xác định là yêu cầu xuyên suốt trong bối cảnh chuyển đổi số.


Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý. (Ảnh: VNE).

Báo cáo về kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh những bước tiến vượt bậc của Việt Nam.

Trong đó, tiềm lực khoa học và công nghệ đã được củng cố với sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức nghiên cứu và đội ngũ cán bộ. Hệ thống quản lý nhà nước cùng các cơ chế, chính sách đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, định hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cả nước có gần 900 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cùng 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, và 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100 quốc gia, trong khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 18,3%. Ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt doanh thu 152 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử ước đạt 132 tỷ USD.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hạ tầng số được phát triển đồng bộ và hiện đại, với hệ thống viễn thông ngang tầm các nước phát triển. Ngành công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu ước tính 152 tỷ USD trong năm 2024, đóng góp 18,3% GDP.

Bên cạnh đó, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu và 71/193 về Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử. Các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành đang dần hình thành, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu để thúc đẩy kinh tế số.

Chi cho khoa học công nghệ còn hạn chế

Tuy vậy, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ và sự bứt phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội.

Việc huy động các nguồn lực cho khoa học công nghệ và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả. Trong đó, chi cho khoa học công nghệ chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (năm 2023 chỉ đạt 0,82%) và chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP (trong đó mức trung bình của các nước phát triển là 2-5% GDP).

Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới, chưa phù hợp, nhất là về tài chính, đầu tư. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Thêm vào đó, nhận thức và tư duy của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa nắm rõ sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ.

"Nhiều nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được giải quyết đồng bộ, dứt điểm, nhất là cơ chế quản lý tài chính, đầu tư chậm đổi mới, không phù hợp; thiếu thể chế thử nghiệm, sandbox, miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận rủi ro. Điều này chưa tạo điều kiện đủ mạnh để doanh nghiệp dành nguồn lực thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển", ông Quý nhấn mạnh.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm