Chuyển giao mô hình xử lý nước thải công nghệ màng lọc mới
Trường học đầu tiên sử dụng công nghệ lọc khí sinh học / Trường học đầu tiên sử dụng công nghệ lọc khí sinh học
Ngày 27/8, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), công nghệ xử lý nước nano đã được chuyển giao thành công từ Công ty Zwitter cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản công nghệ.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ đánh giá đây là mô hình xử lý nước thải theo công nghệ mới, công nghệ màng lọc.
Theo khảo sát, dưới góc nhìn của chuyên gia, các doanh nghiệp và một số nhà khoa học đánh giá đây là dự án tiềm năng có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam. Đây là giải pháp đang hướng đến việc áp dụng công nghệ xanh bảo vệ môi trường.
“Tôi cho rằng sự kết hợp giữa mô hình start-up xuất phát từ một trường đại học của Mỹ với một startup ở Việt Nam có thể tìm được một nhóm khởi nghiệp tiềm năng ở trường đại học, kết hợp với doanh nghiệp để khai thác được nguồn công nghệ, nguồn đầu tư từ nước ngoài. Đồng thời, khai thác được trí tuệ khởi nghiệp của Việt Nam”, ông Quất nói.
Cũng theo ông Quất, với việc chuyển giao công nghệ nước đột phá này, các khu công nghiệp có thể sử dụng công nghệ này tạo nền tảng, hạ tầng chung nhằm giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp.
Thay vì một doanh nghiệp, nhà máy sử dụng nền tảng công nghệ này thì khu công nghiệp có thể sử dụng để các nhà máy đều được hưởng lợi với chi phí được tối ưu hóa.
Giám đốc điều hành và đồng sáng lập ZwitterCo, ông Alex Rappaport cho rằng, công nghệ lọc nước đột phá ZwitterCo có thể nhân rộng và phát triển ở quy mô công nghiệp với tính ứng dụng và thực tế cao.
Tuy nhiên, để thực hiện được cần có sự chung tay của nhà nước, nhà khoa học, người nông dân, các viện, trường để khai thác thế mạnh của các bên.
“Với việc sử dụng công nghệ lọc nước đột phá và tầm nhìn dài hạn, ZwitterCo mong muốn chia sẻ với việc chỉ cần bấm nút là có thể thu được nguồn nước tinh khiết sau một quy trình xử lý từ nước thải”, ông Alex Rappaport chia sẻ.
Công nghệ của ZwitterCo sử dụng màng lọc nano, tương tự như một miếng bọt biển khi phóng to, trên bề mặt của màng có những lỗ chân lông có thể loại bỏ hơi ẩm từ không khí và hoạt động như một bơm hút chân không, kéo các phân tử nước ra khỏi dầu và chất bẩn trong nước thải.
Việc áp dụng công nghệ trong xử lý nước có vai trò và hiệu quả quan trọng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp và khu công nghiệp.
Nếu không có những công cụ công nghệ để tách tất cả các chất gây ô nhiễm ra khỏi nước, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong giải pháp đổ thải và xử lý nước thải kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm.
Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm, qua quá trình xử lý thịt và gia cầm, nước thải từ sữa và các ứng dụng xử lý sinh học, xử lý chất thải động vật, vật liệu thu được sau khi lọc qua bằng màng nano ZwitterCo có thể chuyển hóa thành phân bón hoặc nguyên liệu thô cho các loại phân hóa học, dầu mỡ để tạo ra nguồn doanh thu mới.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết giữa Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, (Bộ Khoa học và Công nghệ) và các đơn vị nhằm thúc đẩy thương mại hóa thúc đẩy, hỗ trợ phát triển dự án tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo