Khoa học - Công nghệ

Đẩy lùi hàng giả, minh bạch người bán hàng nhờ VNeID

DNVN - Thời gian tới cần thiết định danh trên môi trường thương mại điện tử để tạo được niềm tin số, người bán hàng phải được định danh chứ không thể là "ảo". Qua VNeID, việc quản lý hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn.

Hàng triệu tài khoản dùng"siêu ứng dụng" VNeID mỗi ngày

Ngày 22/4 tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" nhằm thúc đẩy kết nối hiệu quả giữa các cơ quan, doanh nghiệp và người dân với ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, khai thác tiềm năng VNeID như một siêu ứng dụng quốc gia, kết nối đa dịch vụ trên một nền tảng duy nhất...

Theo ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, VNeID là một "siêu ứng dụng" ví điện tử, giấy tờ do trực tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) xây dựng, phát triển, đến nay đã có hơn 60 triệu tài khoản người dùng. Hiện các loại giấy tờ cơ bản nhất như căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế… đã được cập nhật trên nền tảng ứng dụng này.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an) chia sẻ: Với giai đoạn ban đầu khi Trung tâm hình thành đã tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết bài toán chuyển đổi hóa sổ hộ khẩu giấy thành dữ liệu điện tử và tất cả các thông tin của người dân sẽ nằm trong hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bên phải) và Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an). Ảnh: Danh Khang (báo Tuổi Trẻ).

Sau khi thu thập được hơn 104 triệu dữ liệu người dân và cấp số định danh thì triển khai chiến dịch cấp 100% thẻ căn cước công dân gắn chip (nay là thẻ căn cước) và định danh điện tử cho người dân. Thẻ căn cước công dân gắn chip đã thay thế cho chứng minh thư 12 số.

Thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh, trong thẻ căn cước công dân gắn chip đã tích hợp nhiều công nghệ như QR Code mã vạch để thuận tiện cho người dân khi khai báo cũng như tiếp nhận hồ sơ, thông tin người dân của cơ quan, tổ chức và bảo mật hơn khi tích hợp thông tin gắn chip. Với mục tiêu công dân số, xã hội số, Chính phủ số, Cục C06 đã tiếp tục tham mưu cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân và đó là công cụ để người dân tham gia môi trường số.

Đến nay VNeID đã cấp và kích hoạt hơn 62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tỉ lệ người sử dụng VNeID năm 2024 và đầu năm 2025 trung bình từ 3 - 6 triệu/ngày (cao hơn từ 3 - 4 lần năm 2023). Ngoài ra, đã cấp hơn 292 triệu tài khoản định danh cho tổ chức trên VNeID. Bởi từ ngày 1/7 tới đây, các cơ quan tổ chức khi thực hiện trên môi trường dịch vụ công cũng phải có tài khoản định danh như người dân bình thường.

Vấn đề an toàn dữ liệu, đảm bảo hệ thống hoạt động xuyên suốt vô cùng quan trọng. App VNeID là app toàn dân, mọi người dân đều sử dụng được nhưng yếu tố an toàn là hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi.

Cũng theo ông Hiển, hiện đã thực hiện kết nối với 12 ngân hàng để các ngân hàng khai thác dữ liệu. Nhằm mang lại tiện ích cho người dùng, hiện nay VNeID đã kết nối với nhà thuốc FPT Long Châu và một nhà thuốc khác để chia sẻ dữ liệu, giúp người dân có thể dễ dàng mua thuốc của nhà thuốc trên VNeID...

Thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh App VNeID là app toàn dân, mọi người dân đều sử dụng được nhưng yếu tố an toàn là hàng đầu, sau đó mới đến tiện lợi.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh, TS Phạm Xuân Viết, phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, VNeID đang phát huy hiệu quả trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu 2022 khi dịch COVID-19 hoành hành và VNeID mới thiết lập, ngành y tế đã tham gia tích cực. Khi đó, ngành y tế đã tích hợp tiêm chủng COVID-19 lên VNeID để người dân đăng ký theo dõi và thực hiện hộ chiếu vắc xin, cơ sở dữ liệu xét nghiệm COVID-19, bệnh nhân F0 khỏi bệnh… Việc này đã giúp ích rất tốt cho phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay ngành y tế đã triển khai tích hợp giấy chứng sinh, giấy báo tử lên VNeiD để phục vụ cho nhóm thủ tục hành chính liên thông là đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em. Đồng thời, nhóm liên quan giấy chứng tử như xóa đăng ký hộ khẩu thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất…

Cùng với đó đã tích hợp lên VNeID giấy khám sức khỏe phục vụ cấp, cấp đổi giấy phép lái xe. Đến nay đã có hàng triệu giấy khám sức khỏe gửi lên. Đồng thời, các cơ sở y tế đã thực hiện đón tiếp, khám chữa bệnh cho người dân dùng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Các bệnh viện cũng triển khai xác thực nhân trắc học, khuôn mặt để đón tiếp bệnh nhân. Con số gần 50 triệu lượt truy cập vào sổ sức khỏe điện tử là rất tích cực và việc triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ sở y tế, người dân, tạo sự tiện lợi, truy cập thông tin dễ dàng với các cơ sở y tế, người bệnh; chia sẻ thông tin, dữ liệu khám chữa bệnh của người dân mà cơ sở khám sức khỏe muốn khai thác theo phân cấp, phân quyền và người dân có thể dễ dàng theo dõi...

Thắt chặt kiểm soát thông tin người bán, đẩy lùi hàng giả

Trao đổi tại tọa đàm, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) nhấn mạnh đến sự cần thiết xác thực danh tính điện tử đối với người bán trên các nền tảng thương mại điện tử. Nền tảng thương mại điện tử không chỉ là các nền tảng số nói chung mà bao gồm cả nền tảng số trung gian, mạng xã hội do mạng xã hội cũng là kênh bán hàng rất đặc thù, kết nối người bán, người mua.

"Ngay hôm qua (21/4) chúng tôi cũng đã yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Ngay sau khi được cấp phép về thương mại điện tử, những nền tảng dược phẩm rất lớn vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên môi trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã có công văn gửi đến yêu cầu tháo gỡ, đăng tải thông tin cảnh báo", bà Hà thông tin.

Tuy nhiên theo bà Hà, hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có những biện pháp nghiệp vụ bằng cách sử dụng các nền tảng, tài khoản được cung cấp bởi các nền tảng để truy cập mới có thể rà soát, xử lý được.

Do đó thời gian tới cần thiết định danh trên môi trường thương mại điện tử, phải tạo được niềm tin số. Niềm tin đến từ người tiêu dùng nhưng muốn có cần phải xuất phát từ sự tin cậy của người bán hàng, sự tin cậy của chủ những nền tảng số, người bán hàng phải được định danh chứ không thể là "ảo".

"Thậm khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tháo gỡ hàng hóa, sản phẩm. Qua VNeID, những quy định cụ thể và luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn", bà Hà nói.

Bà Nguyễn Đỗ Quyên - Phó Tổng giám đốc FPT Retail kiêm giám đốc Điều hành FPT Long Châu.Ảnh: Danh Khang (báo Tuổi Trẻ).

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Đỗ Quyên - Phó Tổng giám đốc FPT Retail kiêm giám đốc Điều hành FPT Long Châu chia sẻ, nhà thuốc Long Châu là nhà thuốc đầu tiên được tích hợp vào ứng dụng VNeID.

Là doanh nghiệp tiên phong nên rất áp lực vì đã làm việc với Cục C06 rất chặt chẽ từ pháp lý, nghiệp vụ, an toàn, an ninh mạng, hạ tầng. Sau khi Long Châu triển khai thành công thì rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kết nối VNeID với các nhà thuốc khác trên toàn Việt Nam. Khi kết nối thành công với VNeID và trở thành cấu phần của sổ sức khỏe điện tử thì người dân, bệnh nhân, khách hàng có một nơi tin tưởng để thực hiện các hoạt động mua bán thuốc được an toàn.

Bà Quyên khẳng định việc mua thuốc qua VNeID các bước đều được bảo mật, phải có sự đồng ý, chia sẻ thông tin của khách hàng. Khách hàng của Long Châu đăng nhập vào ứng dụng của Long Châu bằng mã số định danh điện tử để mua thuốc.

Hiện có hơn 100.000 lượt khách hàng sử dụng để giao dịch mua thuốc. Long Châu và C06 đang tiếp tục liên thông y tế. Nhà thuốc là một cấu phần trong sổ sức khỏe điện tử nhưng là không thể thiếu. Vì cuối cùng sau khi khám sức khỏe thì người dân vẫn phải mua thuốc.

"Song người dân mua thuốc đúng với toa thuốc hay không rất quan trọng, mua ở đâu, có được tư vấn đầy đủ về liều dùng, cách dùng không, do ai tư vấn, người tư vấn có giấy phép hành nghề không… là việc định danh trong giai đoạn 2 liên thông y tế. Với tư cách là doanh nghiệp thì chúng tôi hết sức ủng hộ và sẵn sàng tham gia, minh bạch hóa mọi thứ để việc liên thông y tế được thành công", bà Quyên nhấn mạnh.

Bà Quyên cho biết trong 3 ngày qua, Long Châu tiếp một lượng lớn khách hàng không phải đến mua thuốc mà nhờ các dược sĩ tra cứu thuốc xem thuốc mình đang dùng có phải thuốc giả không.

"Chúng tôi sẵn sàng minh bạch. Khi nhà thuốc được định danh phải có đầy đủ pháp lý, phải có GPP, tất cả dược sĩ phải có giấy phép hành nghề, không phải lao động tự do, phải có bằng cấp để thực hiện việc tư vấn. Quan trọng nhất là cơ sở bán thuốc không trống thuốc, dính líu thuốc giả… thì mới được định danh, giúp người dân yên tâm mua thuốc", bà Quyên nói.

Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo