Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo

DNVN - Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, những tồn tại, hạn chế hiện nay đặt ra những yêu cầu mới cho công tác KHCN và đổi mới sáng tạo trong ngành, trong đó cần đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo.

Đà Nẵng: Sắp trình Quốc hội nhiều chính sách đột phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo / Doanh nghiệp điện lực Việt Nam và Trung Quốc ký kết hợp tác

Nâng cao năng suất nhờ đổi mới công nghệ

Tại hội nghị “Phát huy vai trò của KHCN và ĐMST trong tái cơ cấu ngành Công Thương” ngày 19/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.

Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với những nỗ lực, quyết tâm và bằng nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của ngành công thương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Trong đó, các đơn vị đã chú trọng đẩy nhanh quá trình ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu và thành tựu KH&CN vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp trong ngành từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành công thương theo hướng hiện đại.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đánh giá về những kết quả tích cực trong công tác công tác KHCN của ngành, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm 2022-2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý.

Trong lĩnh vực cơ khí, Viện nghiên cứu cơ khí cho biết đã làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động trong các nhà máy công nghiệp. Có đủ năng lực trở thành tổng thầu của nhiều công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực.

Viện Công nghệ thực phẩm hiện đang duy trì bảo tồn gen vi sinh vật với trên 1.500 chủng vi nấm, nấm men, vi khuẩn, plasmid phục vụ sản xuất và phát triển công nghệ. Đồng thời đưa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong khai thác, tách chiết dầu, hương liệu và các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu trong nước vào thực tiễn…


Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.

Trong lĩnh vực dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học trong khối trường, nổi bật Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh trong năm 2022-2023 đã thực hiện 1 dự án quốc tế, 5 đề tài cấp Bộ, 12 đề tài cấp tỉnh, thành phố, 43 đề tài cấp trường dành cho giảng viên, trong đó các đề tài khối ngành kỹ thuật chiếm ưu thế do đặc thù ngành đào tạo truyền thống và thế mạnh của trường.

Trong lĩnh vực tham mưu chính sách, trong giai đoạn vừa qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương đã tham mưu xây dựng gần 30 chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, trên 100 quy hoạch tổng thể phát triển ngành, hơn 200 quy hoạch phát triển của địa phương, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển ngành.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo

Tuy vậy, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả đã đạt được còn những tồn tại, hạn chế và yêu cầu mới đặt ra cho công tác KHCN và đổi mới sáng tạo trong ngành.

Cụ thể, cơ chế, chính sách cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KHCN công lập còn nhiều bất cập. Phát triển nguồn nhân lực, thu hút, giữ chân người tài và cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao tiềm lực KHCN còn nhiều hạn chế. Chính sách huy động nguồn lực xã hội và sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển KHCN chưa xứng tầm…

"Đây là những vấn đề cần sớm có giải pháp khai thông nhằm tạo điều kiện cho các viện, trường và khuyến khích đội ngũ làm công tác KHCN tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của ngành, đất nước trong giai đoạn tới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành công thương gắn với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn và xây dựng nền sản xuất độc lập, tự chủ.

Chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành công thương trong tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, cần tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN ngành công thương trở thành những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng với sứ mệnh dẫn dắt về mặt công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cung cấp công nghệ nền trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng như hỗ trợ R&D cho các doanh nghiệp đầu tư dựa vào công nghệ mới...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm