Để "làm mới" lại chiếc Vespa ET8 đã gắn bó hơn chục năm, một người chơi xe tại Hà Nội đã quyết định độ thêm thuyền sidecar để trở thành xe 3 bánh cực "nhã".
Ra mắt vào năm 1996 vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thương hiệu Vespa, Vespa ET cũng đồng thời đưa dòng xe này sang một thời kỳ mới. Sở hữu thiết kế tròn trịa nữ tính và là mẫu Vespa đầu tiên trong lịch sử có phiên bản động cơ 4 kỳ, ET đã trở nên khác biệt so với những chiếc Vespa truyền thống. Chính vì vậy ngay sau khi ra mắt, chiếc xe đã nhận được nhiều sự hoài nghi của các Vespista (những người yêu Vespa). Họ cho rằng sự phá cách của ET sẽ khiến nó "mất chất" Vespa và trở thành một thất bại của Piaggio.
Tuy nhiên, Vespa ET đã nhanh chóng đập tan những hoài nghi này. Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, chiếc xe đã trở thành một biểu tượng thời trang mới, đồng thời thu hút một lượng lớn khách hàng mới đến với dòng Vespa. Dù vẫn có phiên bản 2 kỳ ET2, tuy nhiên những chiếc Vespa ET4 với động cơ 4 kỳ có dung tích từ 50 cho tới 150cc mới chính là "gà đẻ trứng vàng" cho Piaggio. Người tiêu dùng đã nhanh chóng bị chinh phục bởi ET4 êm ái, tin cậy và dễ sử dụng hơn so với những chiếc Vespa động cơ 2 kỳ.
Việc động cơ 4 kỳ đạt thành công trên chiếc ET4 khung nhỏ (small frame) cũng giúp cho Piaggio có thể tự tin "phủ sóng" loại máy này ra toàn bộ dòng Vespa, dẫn tới sự ra đời của Vespa Granturismo khung lớn (large frame) cũng như hàng loạt các hậu duệ sau này của nó như LX, Primavera... Bước chân vào Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao giữa 2 Thế kỷ, có thể nói ET4 cũng chính là chiếc xe đưa thương hiệu Vespa tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn ở nước ta.
Do số 4 được coi là con số không may mắn trong quan niệm của người Á Đông (4 - "tứ" đồng âm với chữ "tử") nên cũng giống như ở nhiều thị trường châu Á khác, chiếc xe được đổi tên thành ET8. Cũng giống như những khách hàng phương Tây, người Việt ưa chuộng Vespa ET8 không chỉ thiết kế trang nhã, độc đáo hơn các dòng xe tay ga khác vào thời đó mà còn bởi chúng thân thiện và dễ sử dụng hơn so với những chiếc Vespa cổ 2 kỳ.
Đó là lý do dù có giá rất đắt khi còn mới, nhưng Vespa ET8 đã nhanh chóng trở thành lựa chọn của một bộ phận khách hàng sành điệu và "chịu chơi". Và cũng giống như rượu vang, cái "chất" của ET4 ngày càng được khẳng định qua thời gian khi cho tới tận bây giờ, dòng xe này vẫn tiếp tục được nhiều người ưa chuộng và gắn bó. Chủ nhân chiếc ET8 trong bài viết này - anh Hải - là một người như vậy, khi đã sở hữu dòng xe này trong hơn chục năm.
Sau một thời gian dài sử dụng, năm 2018 vừa qua anh Hải đã cảm thấy tới thời điểm cần phải "refresh" lại cho chiếc ET8 của mình. Tuy nhiên là một người yêu cái đẹp và sự độc đáo, anh không muốn chỉ đơn thuần "giật mới" lại, hay phá vỡ thiết kế hoàn mỹ của chiếc xe. Cuối cùng sau khi cân nhắc, anh Hải đã đi tới quyết định táo bạo: độ Vespa ET8 từ một chiếc xe tay ga 2 bánh trở thành xe 3 bánh sidecar với thuyền gắn thêm.
Nhờ cậy tới Minibike Trung Khánh (MTK) - một xưởng độ từng thực hiện rất nhiều bản độ sidecar từ các dòng xe khác nhau, kế hoạch này của anh Hải đã nhanh chóng được thực thi. Do ET8 vốn là một dòng Vespa khung nhỏ và có thiết kế tròn trịa, chính vì vậy thách thức dành cho MTK đó là thiết kế phần thuyền cho chiếc xe sao cho bảo đảm tính thẩm mỹ và trọng lượng nhẹ để không ảnh hưởng quá nhiều tới kết cấu hay khả năng vận hành của xe.
"Ton-sur-ton" với những đường nét mềm mại, tao nhã của ET8, một bộ thuyền tròn trịa như đầu đạn đã được MTK chế tạo. Thay vì gò từ tôn như một số bản độ Vespa sidecar từng hoàn thành trước đây, phần thuyền này đã được MTK đúc bằng sợi thủy tinh và composite, khiến trọng lượng giảm xuống chỉ còn một nửa. Thậm chí thuyền quá nhẹ đã buộc MTK phải gắn thêm một tấm tôn lót dưới sàn để tạo đối trọng cân bằng cho chiếc xe.
Ở phía trên phần thuyền, xưởng độ đã tích hợp một ghế ngồi với đệm mút êm ái, tích hợp đầy đủ tựa tay và kính chắn gió để đem tới cảm giác thoải mái cho hành khách. So với những thiết kế trước đây của MTK, thuyền dành cho chiếc ET8 của anh Hải cũng đã được hoàn thiện chau chuốt hơn. Để "chiều lòng" tình yêu cái đẹp của chủ xe, nhiều phụ kiện bắt mắt như baga sau hay cột treo cờ cũng đã được gắn thêm trên thuyền. Theo phong cách hoài cổ, anh Hải còn lắp một chiếc chụp mâm mạ chrome bóng lộn của hãng FACO vào bánh phụ ở thuyền.
Một chiếc chắn bùn rộng đã được MTK gò ôm lấy bánh phụ của thuyền, khiến hành khách không phải lo bị bắn nước bẩn khi xe đi trên đường ướt. Trên chắn bùn này, xưởng độ cũng đã tích hợp các trang bị như đèn LED L4 nằm bên trong lớp vỏ mạ chrome cổ điển, cùng với đèn hậu để đảm bảo an toàn. Cả dây dẫn cho những đèn này cùng bộ khung đỡ thuyền đều được MTK tính toán để dễ dàng lắp hoặc tháo ra, khiến anh Hải có thể tự "về zin" hoặc lắp thuyền bất kỳ khi nào muốn.
Do chiếc ET8 của anh Hải vốn là phiên bản 150cc mạnh nhất với công suất 11,7 mã lực và mô-men xoắn 11,8Nm, chính vì vậy xe vẫn đạt gia tốc và tốc độ tương đối tốt. Trong điều kiện đô thị, chiếc xe vẫn có thể tăng tốc nhanh như các dòng Vespa 125cc và đạt tốc độ tối đa khoảng gần 80km/h ngoài xa lộ. Ngoài việc đấu thêm jack cắm nối đèn và điểm cố định khung thuyền, MTK đã giữ nguyên kết cấu nguyên bản của chiếc ET8.
Anh Hải chỉ trang trí thêm cho chiếc xe bằng cách sơn đen bóng nhiều chi tiết, thay bộ yên tách rời của Vespa LXV và gắn một số phụ kiện như kính chắn gió cao hay baga sau. Dù gặp khó khăn do một số chi tiết nguyên bản của chiếc xe sau nhiều năm sử dụng đã bị lão hóa, tuy nhiên bản độ Vespa ET8 Sidecar này đã có thể kịp lăn bánh trước những ngày nghỉ Tết Dương Lịch 2019.
Trong 1 tháng còn lại, anh Hải cùng MTK đang gấp rút hoàn thiện chiếc xe để có thể đưa gia đình đi dạo chơi phố phường trong dịp nghỉ Tết Âm Lịch đang đến gần.
Theo Nghe nhìn Việt Nam