Hiệu quả vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc khi sử dụng tại các nước
Tiêm vaccine Covid-19: Mũi một cách mũi hai bao nhiêu thời gian là tốt nhất? / Vì sao thế giới cân nhắc tới liều vaccine COVID-19 thứ 3?
Các quốc gia đang triển khai tiêm 17 loại vaccine COVID-19, trong đó có 7 loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm Pfizer, AstraZeneca, vaccine của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Johnson&Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovac. Vaccine Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp vào tháng 5 năm nay và vaccine Sinovac vào tháng 6.
Đến cuối tháng 6, Trung Quốc đã phê duyệt 7 loại vaccine ngừa COVID-19 nội địa, trong đó 2 vaccine Sinopharm, Sinovac phổ biến nhất. Tính đến 30/7, Trung Quốc đã tiêm được 1,64 tỷ liều vaccine COVID-19 trên tổng số hơn 4 tỉ liều được tiêm trên toàn thế giới. Tuy nhiên số liệu không cung cấp chi tiết tỉ lệ từng loại vaccine được tiêm.
Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho 4 khu vực trên thế giới, bao gồm 103 quốc gia với tổng 903 triệu liều vaccine Sinopharm, Sinovac đã được bán ra. Nhiều quốc gia nhận vaccine Trung Quốc miễn phí, bao gồm các nước đang phát triển ở châu Phi và một số quốc gia châu Á quan trọng về mặt chiến lược như Philippines và Pakistan.
Nhưng chúng ta biết gì về những loại vaccine Sinopharm và Sinovac này? Chúng hoạt động như thế nào, chúng có an toàn không và chúng hiệu quả như thế nào trong thực tế?
Vaccine Sinopharm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp vào tháng 5 năm nay và vaccine Sinovac là vào tháng 6.
Cả hai đều là vaccine virus bất hoạt. Điều này có nghĩa là chúng được tạo ra từ các hạt virus trong phòng thí nghiệm, sau đó chúng sẽ bị bất hoạt để không thể lây nhiễm COVID-19 cho người tiêm. Nhiều loại vaccine khác cũng sử dụng nền tảng tương tự, như vaccine bại liệt, viêm gan A và vaccine cúm.
Cả hai công ty đều sử dụng công nghệ tương tự và vaccine được trộn với chất bổ trợ, là một chất được thêm vào vaccine để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn.Vaccine chứa nhiều protein mà hệ thống miễn dịch có thể đáp ứng, kích thích sản xuất kháng thể để chống lại COVID-19.
Vaccine Sinopharm và Sinovac có an toàn không?
Sau khi tiêm vaccine Sinovac hoặc Sinopharm, người tiêm không gặp các tác dụng phụ thường gặp như với các loại vaccine COVID-19 khác, như bị sốt và mệt mỏi. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng rất thấp các trường hợp bất lợi. Theo báo cáo, có 49 trường hợp gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng sau 35,8 triệu liều Sinovac được sử dụng ở Trung Quốc. Và có 79 trường hợp được báo cáo gặp biến cố nhẹ sau khi sử dụng 1,1 triệu liều Sinopharm ở Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thông thường về các biến cố sau khi tiêm chủng.
Tuy vậy, có một tác dụng phụ tiềm ẩn mà mọi người quan tâm đặc biệt sau khi tiêm vaccine là "bệnh tăng cường liên quan đến vaccine". Đây là một tác dụng phụ rất hiếm gặp của một số loại vaccine khác sử dụng công nghệ “bất hoạt” tương tự như vaccine Sinopharm và Sinovac. Nó xảy ra khi một người được tiêm chủng tiếp xúc với virus và bệnh tình diễn biến trầm trọng hơn, so với việc không được tiêm chủng.
Cho đến nay, trường hợp này chưa được báo cáo với các loại vaccine này, dù WHO khuyến nghị phải giám sát an toàn liên tục để xác định bất kỳ trường hợp nào xảy ra.
Hiệu quả của vaccine Sinopharm và Sinovac trong các thử nghiệm lâm sàng
Hiệu quả của vaccine Sinovac trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng là 51% ở Brazil, 67% ở Chile, 65% ở Indonesia và 84% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các kết quả ngăn ngừa khác nhau có thể là do các biến thể lưu hành ở mỗi quốc gia khác nhau vào từng thời điểm và sự khác biệt trong các quần thể được đưa vào nghiên cứu.
Hiệu quả của Sinopharm trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng là 78% ở UAE, Bahrain, Ai Cập và Jordan.
Ngoài ra, người tiêm vaccine Sinovac ở Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ khi nhiễm bệnh không cần thiết phải nhập viện đạt lần lượt là 85%, 100% và 100%.
Tuy nhiên, rất ít người cao tuổi có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn được tham gia vào các nghiên cứu này.
Hiệu quả của vaccine Sinopharm và Sinovac trong thực tế
Theo dữ liệu được công bố vào tháng 4 từ một nghiên cứu thực tế lớn ở Chile, vaccine Sinovac có hiệu quả 67% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Hiệu quả chống lại việc nhập viện là 85%, nhập viện ICU là 89% và tử vong là 80%.
Hiệu quả của Sinopharm đối với nhiễm bệnh có triệu chứng ở Bahrain là 90%.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là số ca nhiễm bệnh gia tăng tại một số quốc gia đã sử dụng rộng rãi loại vaccine này, song không có báo cáo chi tiết.
Ví dụ, Seychelles đã tiêm phòng đầy đủ cho 68% dân số của mình, chủ yếu là tiêm vaccine Sinopharm và phần còn lại là AstraZeneca. Nhưng gần đây, Seychelles đã trải qua một số ca tăng đột biến, điều này cho thấy có thể vaccine chưa đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, các biến thể mới của virus cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, chủ yếu là với Sinopharm. Các quốc gia này cũng đã trải qua làn sóng nhiễm COVID-19 gia tăng gần đây và đang phải bổ sung một liều Pfizer tăng cường sau sáu tháng tiêm hai liều Sinopharm, vì lo ngại rằng hai liều Sinopharm có thể không cung cấp đủ khả năng bảo vệ.
Dù vậy, không có dữ liệu nào được công bố công khai về tính hiệu quả và an toàn với lịch trình tiêm chủng kết hợp này.
Ở Mông Cổ, việc triển khai vaccine được tiến hành nhanh chóng với bốn loại vaccine khác nhau, bao gồm cả Sinopharm. Hiệu quả ban đầu tốt nhưng số ca nhiễm COVID-19 gia tăng gần đây cho thấy vaccine chỉ có tác dụng bảo vệ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó tại Indonesia, ngày càng có nhiều lo ngại về số ca nhiễm gia tăng. Hầu hết tất cả các nhân viên y tế đã được tiêm vaccine Sinovac nhưng một số hiện đang phát bệnh nặng.
Chile cũng đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao, chủ yếu là với vaccine Sinovac. Khoảng 75% dân số trưởng thành đã được tiêm một liều và 58% đã tiêm hai liều.
Mặc dù vậy, tình trạng gia tăng ca nhiễm hiện nay và số ca tử vong cao liên tục đã khiến thủ đô Santiago phải phong tỏa.
Số ca tăng cao có thể liên quan đến biến thể Gamma dễ lây lan hơn, xuất hiện lần đầu tiên ở Brazil.Tuy nhiên, tại một thị trấn nhỏ với 45.000 người ở Brazil, tỷ lệ người lớn được tiêm vaccine Sinovac là 95%, đã đạt tác dụng 80% ngăn ngừa lây nhiễm và 95% ngăn ngừa tử vong.
Hiện chưa có dữ liệu về hiệu quả của Sinopharm đối với các biến thể virus mặc dù vaccine này được sử dụng ở hơn 50 quốc gia.
Đối với Sinovac, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm có triệu chứng với các biến thể Alpha và Gamma ở Chile là 67%.
Cả hai loại vaccine đều có hiệu quả chống COVID-19
Điều quan trọng là các nhà nghiên cứu và cơ quan y tế xác định hiệu quả của vaccine đối với các biến thể và tác động của chúng đối với sự lây truyền cũng như hồ sơ an toàn của chúng. Đối với các quốc gia đang có số ca nhiễm gia tăng trong cộng đồng, vấn đề “bệnh tăng cường liên quan đến vaccine” cũng cần được quan tâm.
Ở thời điểm dịch bệnh bùng phát, chúng ta cần nhiều vaccine nhất có thể để đối phó với đại dịch.Tuy nhiên, hiện nay những loại vaccine này đang được sử dụng rộng rãi và sẽ được COVAX phân phối thêm. COVAX là liên minh toàn cầu cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều cần thiết là sự an toàn và hiệu quả của tất cả các loại vaccine tiếp tục được giám sát chặt chẽ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo