Người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng thiên văn quốc tế Đài Loan
Phát minh thành công viên pin kim cương có tuổi thọ lên tới hàng nghìn năm / Chung tay nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ Net Zero
PGS Thiêm hiện làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học thiên văn vũ trụ Hàn Quốc và Đại học khoa học công nghệ Hàn Quốc. Ông là người Việt đầu tiên, đồng thời là người thứ 4 đang làm việc ở châu Á đoạt giải thưởng này.
Giải thưởng bài giảng dành cho nhà thiên văn học trẻ (NCU-DELTA Young Astronomer Lectureship Award) tổ chức hàng năm, bắt đầu từ 2012 dành cho 1 - 2 nhà khoa học dưới 45 tuổi, không phân biệt quốc tịch, sắc tộc. Giải thưởng do Hội đồng quốc tế gồm các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thiên văn và vật lý thiên văn đề cử, đánh giá và lựa chọn trao tặng.
Chia sẻ với phóng viên từ Hàn Quốc, PGS Thiêm nói bất ngờ khi nhận được thông báo từ hội đồng giải thưởng vì không làm hồ sơ xét giải. Ông nói đây là sự ghi nhận từ hội đồng xét giải và cộng đồng khoa học đối với thành quả thu được trong gần 20 năm nghiên cứu về lĩnh vực bụi và từ trường vũ trụ của ông và các cộng sự. "Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục khám phá và nghiên cứu về lĩnh vực này, góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của các ngôi sao, hành tinh và sự sống trong vũ trụ", PGS Thiêm nói.
Uỷ ban giải thưởng đánh giá PGS Thiêm có nền tảng học thuật sâu và kinh nghiệm nghiên cứu phong phú. Ông đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực như bụi vũ trụ, sự ra đời của các ngôi sao và quá trình hình thành hành tinh. Nghiên cứu của ông đã làm sâu sắc thêm hiểu biết của cộng đồng về vật chất liên sao và sự tiến hóa của các hệ hành tinh trong vũ trụ, đồng thời có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu về nền vũ trụ vi sóng.
Các nghiên cứu của PGS Thiêm và cộng sự đã góp phần giải quyết vấn đề lớn trong vật lý thiên văn đã tồn tại gần 70 năm, đó là quá trình định hướng của các hạt bụi trong môi trường liên sao gây ra hiện tượng phân cực của ánh sáng từ các ngôi sao xa xôi. Nhóm đã xây dựng thành công một lý thuyết định lượng thống nhất để mô tả và dự đoán sự định hướng của các hạt bụi trong từ trường, dựa trên mô-men xoắn bức xạ và sự hồi phục siêu từ tính. Từ lý thuyết này nhóm đã phát triển mô hình vật lý để mô phỏng sự phân cực ánh sáng do sự hấp thụ và phát xạ của bụi.
Các mô hình phân cực dựa trên vật lý của bụi do nhóm phát triển hiện là nền tảng cho việc sử dụng dữ liệu phân cực thu được từ các kính thiên văn hiện đại nhất thế giới như ALMA, SMA, JCMT, SOFIA và Planck để nghiên cứu vai trò của từ trường, bụi trong quá trình hình thành các ngôi sao, hành tinh và sự tiến hóa của thiên hà.
Gần đây, PGS Thiêm và cộng sự phát triển kỹ thuật mới để đo từ trường ba chiều bằng cách kết hợp lý thuyết định hướng thống nhất do nhóm phát triển với số liệu quan sát, góp phần làm sáng tỏ vai trò của từ trường trong quá trình hình thành các ngôi sao và hành tinh. Đặc biệt, năm 2019, nhóm đã khám phá một cơ chế vật lý mới gây ra sự phá vỡ các hạt bụi do lực ly tâm khi chúng quay siêu nhanh dưới tác động của mô-men xoắn bức xạ. Cơ chế mới này được công bố trên tạp chí danh tiếng Nature Astronomy. Nghiên cứu đã giúp giải đáp các câu hỏi về sự tiến hóa của vật chất trong môi trường bức xạ mạnh xung quanh các ngôi sao, vụ nổ siêu tân tinh và hố đen siêu nặng.
Hồi tháng 10/2022, PGS Thiêm cũng là người Việtđầu tiênnhận Giải thưởng Khoa học do Hội Thiên văn Hàn Quốc tặng với những đóng góp trong 10 năm của ông cho ngành. Ông cũng vừa được tạp chí Tatler Asia vinh danh là một trong 100 người Việt Nam có tầm ảnh hưởng nhất ở châu Á năm 2024. PGS Thiêm thường xuyên về Việt Nam tham gia các hoạt động học thuật, đào tạo cho các bạn trẻ, sinh viên yêu thích thiên văn học.
PGS Hoàng Chí Thiêm là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Khoa học vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc (KASI), đồng thời là Phó giáo sư tại Đại học khoa học và công nghệ Hàn Quốc. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ năm 2012, sau đó được giải thưởng dành cho nghiên cứu sau tiến sĩ của Viện Vật lý thiên văn lý thuyết Canada và Quỹ Humboldt (Đức). Hướng nghiên cứu chính của ông là về bụi và từ trường trong vũ trụ.
Hồi tháng 7/2022, PGS Thiêm cùng hai nhà khoa học là TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ, trưởng nhóm) và TS Nguyễn Lương Quang (American University, tại Paris, Pháp) thành lậpNhóm Vật lý Thiên văn(SAGI). Nhóm hoạt động dưới sự quản lý của Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành IFIRSE, trực thuộc ICISE (Quy Nhơn, Bình Định), nơi GS Trần Thanh Vân chủ trì xây dựng mong muốn trở thành ngôi nhà chung của các nhà khoa học. SAGI thành lập với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển vật lý thiên văn tại Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty HPT: Ba thập kỷ cống hiến cho kỷ nguyên số
Trước nguy cơ TikTok bị cấm tại Mỹ, một ứng dụng của Trung Quốc bất ngờ vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng App Store, Google Play
Xuất khẩu công nghệ: Thước đo năng lực của công nghệ Việt Nam
Nghị quyết 57: Mở đường cho khoa học và công nghệ bứt tốc
Nhiều 'ông lớn' công nghệ số tiên phong nhận nhiệm vụ tiến vào kỷ nguyên mới
Doanh nghiệp công nghệ số cần xây dựng sản phẩm mang tính đột phá