Những yếu tố tác động mạnh vào giá xe tại Việt Nam trong năm 2018
XE HOT QUA ẢNH (17/12): SYM Việt Nam ra mắt xe côn tay cạnh tranh Exciter, ôtô nhập khẩu Nhật Bản khan hiếm tại VN / XE HOT (19/12): 5 mẫu ôtô phổ thông được người Việt chờ đợi nhất năm 2019, 10 xe bán chạy nhất thế giới
Giá ô tô năm 2018 có nhiều biến động lên, xuống khó lường. Có những xe giảm giá mạnh, ví dụ như Everest giảm hơn 500 triệu đồng, trong khi một số xe lội ngược dòng tăng giá, như Fortuner với mức tăng 45 triệu đồng. So với năm ngoái, giá ô tô năm nay bị tác động bởi rất nhiều yếu tố.
Thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng
Tháng 11/2017, Nghị định 125 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122 năm 2016 do Chính phủ ban hành có những điều chỉnh đối với thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, áp dụng từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, thuế nhập khẩu đánh vào ô tô cũ tăng dần theo dung tích xy-lanh. Xe có dung tích xy-lanh từ 1,5 lít đến dưới 2,5 lít được tính thuế hỗn hợp bao gồm giá tính thuế của ô tô đã qua sử dụng nhân với thuế 150-200%, sau đó cộng thêm 10.000 USD mỗi xe. Với xe có động cơ từ 2,5 lít trở lên, số tiền cộng thêm sẽ là 15.000-17.000 USD. Do đó, xe cũ nhập khẩu sẽ bị đội giá lên hàng trăm triệu đồng.
Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc mới
Bắt đầu từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 0% đối với ô tô nguyên chiếc lắp ráp trong khu vực ASEAN đáp ứng đủ điều kiện tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên. Trước đó, mức thuế này là 30%. Đây là kết quả của cam kết ATIGA, hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hoá nội khối.
Việc điều chỉnh thuế có tác động khá mạnh tới giá ô tô. Lô Honda CR-V nhập khẩu Thái Lan áp thuế 30% và thuế 0% có giá chênh lệch 188 triệu đồng. Mẫu xe nhỏ Suzuki Ciaz năm nay giảm giá 60 triệu đồng trong khi không có thay đổi gì về trang bị so với năm ngoái.
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt có ưu đãi hơn với xe động cơ nhỏ và đánh mạnh hơn vào ô tô sử dụng động cơ cỡ trung. Cụ thể, ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống dùng động cơ dưới 1,5 lít được giảm thuế từ 40% còn 35%, còn xe dung tích từ 1,5 lít đến dưới 2 lít giảm từ 45% còn 40%. Ngược lại, xe có động cơ từ 2,5 lít đến dưới 3 lít tăng thuế từ 55% lên 60%.
Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
Cũng trong Nghị định 125 năm ngoái, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô có sự thay đổi, áp dụng từ năm 2018. Các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước sẽ được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0% với một số điều kiện nhất định về sản lượng theo từng giai đoạn 6 tháng một.
Đối với năm 2018, hãng xe cần đáp ứng sản lượng chung tối thiểu 8.000 xe, và sản lượng riêng với một mẫu xe cam kết là 3.000 chiếc trong giai đoạn 6 tháng để được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0%. Các doanh nghiệp lớn như THACO, Hyundai Thành Công và Toyota Việt Nam không khó để đạt được mức sản lượng này.
Tỷ giá VND/USD
Tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam tăng cao do tác động mạnh từ thị trường quốc tế, bao gồm việc FED tăng lãi suất hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung… Giá 1 USD tại ngân hàng lớn như Vietcombank vượt qua mốc 23.000 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD còn cao hơn nữa.
Ảnh hưởng của tỷ giá đồng đô-la khiến giá xe nhập khẩu nguyên chiếc và cả xe lắp ráp trong nước thay đổi. Giao dịch nhập khẩu xe sử dụng USD và giá linh kiện nhập về cũng được tính bằng USD. Theo chia sẻ của tư vấn bán hàng một đại lý Toyota, đó là nguyên nhân khiến giá một số mẫu xe như Fortuner hay Hilux điều chỉnh tăng.
Thủ tục thông quan
Nghị định 116 đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với ô tô nhập khẩu, bao gồm giấy chứng nhận kiểu loại xe và thủ tục kiểm định. Có những mẫu xe nhập khẩu về cảng cả tháng mới được thông quan, ví dụ như lô xe Honda nhập Thái Lan hồi tháng 3. "Chi phí gửi những lô xe tại cảng không hề nhỏ cũng là một yếu tố tác động tới giá xe," Giám đốc một đại lý Mitsubishi tại Hà Nội cho biết.
Khó khăn về thủ tục cũng khiến nguồn cung xe nhập khẩu khan dịp đầu năm. Các đại lý tranh thủ cơ hội đẩy giá xe lên cao bằng việc bán chênh giá so với niêm yết hoặc bán kèm những gói phụ kiện đắt đỏ mới giao xe luôn cho khách. Trong năm 2018, rất nhiều mẫu xe mới được bán theo dạng "bia kèm lạc" như Toyota Fortuner, Honda CR-V, Ford Everest hay Ford Ranger Raptor...
End of content
Không có tin nào tiếp theo