Khoa học - Công nghệ

Tổng giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo: Thách thức lớn nhất hiện nay là đưa sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng thực tiễn

DNVN – Tổng giám đốc Busadco cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các sản phẩm khoa học công nghệ là làm sao có thể ứng dụng được vào thực tiễn. Và khi đã ứng dụng rồi thì có thể tái đầu tư sản xuất được hay không. Yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của sản phẩm.

Hoàn thành suất sắc dự án kè Hồ Gươm: Busadco và Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo được tặng Bằng khen của Chủ tịch TP.Hà Nội / “Vua kè” Hoàng Đức Thảo: Công trình kè hồ Hoàn Kiếm với tôi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến ngày 14/5/2020, Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Busadco sở hữu 203 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đang còn hiệu lực. Trong đó, có 58 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và 145 bằng độc quyền kiểu dáng.

Cùng với đó, Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận, Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Busadco là tác giả của 58 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích – nhiều nhất trong số tác giả có sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ và đang còn hiệu lực tại Việt Nam. Ông Hoàng Đức Thảo cũng là tác giả của của 145 bằng độc quyền kiểu dáng đang còn hiệu lực.

Các sản phẩm khoa học – công nghệ này đã và đang được ứng dụng lan tỏa rộng rãi ở 48/63 tỉnh, thành cả nước, trong đó có 12 tỉnh, thành đã ban hành quy định áp dụng sản phẩm công nghệ Busadco. Bên cạnh đó, xuất khẩu công nghệ của Busadco cũng đã được xuất khẩu sang Malaysia.

Tại hội thảo “Thách thức trong thương mại hóa sáng chế và các tài sản trí tuệ” trong khuôn khổ Chương trình Techfest Việt Nam 2021, Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Busadco đã có nội dung chia sẻ về những thách thức trong thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ.

Tổng giám đốc Busadco cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các sản phẩm khoa học công nghệ là làm sao có thể ứng dụng được vào thực tiễn. Đối với một nhà khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có ba giai đoạn cần phải tính đến ngay từ đầu, đó là giai đoạn nghiên cứu thiết kế, giai đoạn tổ chức đầu tư thương mại và giai đoạn chuẩn bị vũ khí đấu tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Thảo, trước khi bắt đầu sáng chế, đầu tiên cần phải suy nghĩ xem đó là phát minh; sáng chế; giải pháp hữu ích hay chỉ là kiểu dáng công nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Thảo cho biết, hầu hết các các phát minh, sáng chế của ông đều xuất phát từ việc quan sát đời sống xã hội xem các vấn đề có những bất cập và hạn chế gì từ đó tìm ra cách để thay đổi nó.

Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Busadco.

Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Busadco.

Bên cạnh đó, trước khi đi vào nghiên cứu các vấn đề trên thì câu hỏi đầu tiên cần phải đặt ra là liệu nó có ứng dụng được không? Và khi thương mại thì ai sẽ là người sử dụng sản phẩm của mình? Cùng với đó, các nhà sáng chế cũng cần xác định được cả chu kỳ sản xuất ra một sản phẩm; phải tính toán được mình phải bỏ ra chi phí là bao nhiêu và doanh thu có bù đắp được chi phí đó hay không. Cần phải “lấy mỡ nó rán nó”; “lấy thu bù chi” làm sao có đủ chi phí để tái đầu tư như vậy mới gọi là thương mại hóa, và đi theo cơ chế thị trường.

Khi đã có thị trường rồi thì lẽ tất yếu xung quanh chúng ta sẽ có rất nhiều “Lý Thông”. Họ nhìn thấy cái lợi từ sản phẩm mình tạo ra sau đó tìm cách ăn cắp, biến cái của mình thành cái của họ. Vì vậy, chúng ta nên có đội ngũ và có sự chuẩn bị để chiến đấu hết đợt này đến đợt khác với vấn nạn này. Tổng giám đốc Busadco cũng cho biết, hiện công ty có riêng một đội ngũ pháp lý để chiến đấu hàng ngày với những đối tượng là “Lý Thông” như đã đề cập.

Nói về cơ chế, chính sách dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian qua, theo ông Thảo, cơ chế ở Việt Nam với sáng tạo khoa học công nghệ hiện nay vẫn còn non trẻ mới chỉ được tập trung chú trọng khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đây, cơ chế vẫn chủ yếu tập trung cho các đề tài và các ứng dụng khoa học nhà nước, còn việc xã hội hóa các sản phẩm do người dân và các doanh nghiệp tư nhân sáng tạo ra hầu hết còn bộc lộ nhiều bất cấp. Chỉ đến khi bộc lộ vấn đề mới tiến hành sửa đổi chứ chưa có cơ chế căn bản đi tắt đón đầu và có chiến lược thị trường trong đổi mới sáng tạo. Đây là một thách thức lớn trong vấn đề cơ chế.

Tổng giám đốc Busadco cũng chia sẻ, mặc dù cũng là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, tuy nhiên hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn về mặt cơ chế, chính sách. Nếu như các nhà sáng chế khác nghiên cứu các mặt hàng tiêu dùng được xã hội tiêu thụ thì Busadco lại nghiên cứu các sản phẩm phục vụ cho cộng đồng cho dân sinh, cho xã hội. Hầu hết các dự án này đều dùng vốn ngân sách của nhà nước. Từ đó, các cơ chế liên quan đến thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, đơn giá, định mức, nghiệm thu để được thanh toán, thanh tra và kiểm toán nhà nước được là một vấn đề nan giải cần tính đến.

Cũng trong bài chia sẻ của mình, ông Hoàng Đức Thảo cũng có đề cập đến vấn đề thuế tác giả. Hiện nay tác giả đang phải chịu mức thuế là 35%. Điều này chưa có sự khuyến khích sáng tạo. Từ đó đề nghị nên xem xét lại vấn đề này.

Hiện ở nước ta, sáng tạo khoa học đang được thực hiện rất tốt, tuy nhiên mảng công nghệ vẫn có nhiều hạn chế, vì công nghệ liên quan đến quy trình sản xuất. Để có quy trình sản xuất đầu tư ra được sản phẩm thì còn rất nhiều khó khăn.

Vấn đề đối tác hiện nay cũng đang đăt ra cho các nhà sáng chế một thách thức rất lớn. Đối tác ở đây được hiểu là người mua các sản phẩm của các nhà sáng chế và các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay họ rất nghi ngại về các sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm nội địa của Việt Nam. Từ đó dẫn đến quy trình đưa được sản phẩm vào là cả một vấn đề. Việc thương thảo hợp đồng cũng sẽ trở nên khó khăn hơn và đặc biệt khi họ đã nghi ngờ về chất lượng và công nghệ rồi thì họ sẽ trả một cái giá rất rẻ mạt.

Hiệu quả của một sản phẩm khoa học công nghệ khi được chuyển giao là phải xem công nghệ đó có giá trị thặng dư có tạo ra được lợi tức hay không. Làm sao để có thể ứng dụng được vào thực tiễn và khi đã ứng dụng rồi thì có thể tái đầu tư sản xuất được hay không. Yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của sản phẩm, ông Thảo nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm