Doanh nghiệp 24h

“Vua kè” Hoàng Đức Thảo: Công trình kè hồ Hoàn Kiếm với tôi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt

DNVN - Sau 65 ngày đêm thi công, công trình kè hồ Hoàn Kiếm do Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) thi công đã hoàn thiện trước dự kiến gần 1 tháng. Với riêng ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco thì công trình kè hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Hợp long toàn tuyến thi công kè Hồ Hoàn Kiếm / Thêm một giáo sư MIT trở thành tỷ phú nhờ công ty nghiên cứu vaccine Covid-19

Không giống với suy nghĩ là lo lắng của nhiều người về việc khi kè lại bờ Hồ Gươm sẽ làm mất đi nét cổ kính linh thiêng vốn có nới đây. Sau khi hoàn thiện, khung cảnh của hồ Gươm vẫn giữ được những nét đẹp với những đường cong mềm mại, hài hòa vốn có.

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco tin rằng, việc giải quyết mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại để đồng bộ cảnh quan của một quần thể di tích văn hóa là không quá khó. Công trình kè Hồ Gươm hiện đại từ công nghệ, kết cấu, giải pháp kỹ thuật cho đến biện pháp thi công nhưng vẫn giữ được giá trị di sản, không gian văn hóa… chính là một ví dụ điển hình.

Từ năm 2010, Hà Nội đã bắt đầu nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng không gian kiến trúc hồ Gươm, trong đó có hạng mục kè hồ.

Là trái tim của Hà Nội, là trái tim của cả nước, Hồ Gươm và tất cả sự kiện, biến động liên quan luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân từ Bắc tới Nam. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, Hồ Gươm ở giữa đất trời nghìn năm nay, việc tôn tạo, nâng cấp phải được thực hiện cẩn trọng và phải giữ được nguyên hiện trạng cây cỏ, đất, nước…

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco kiểm tra công trình kè hồ Gươm.

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco kiểm tra công trình kè hồ Gươm.

Với một loạt những tiêu chí và yêu cầu thi công khắt khe và ngặt nghèo của của UBND quận Hoàn Kiếm và UBND TP Hà Nội như: Không dùng tường vây, đê bao; không thay đổi mực nước hồ; giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ; giữ nguyên hiện trạng cây xanh xung quanh bờ hồ; không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ… Chưa hết, đơn vị thi công còn phải bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công; không làm ảnh hưởng đến các công trình di tích, văn hóa lịch sử; không ảnh hưởng đến giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân… trong suốt 10 năm qua, đã có rất nhiều công nghệ giải pháp kỹ thuật kè hồ được đề xuất nhưng chưa có giải pháp nào phù hợp.

Đối với một công trình nằm trong di tích quốc gia thì việc đưa ra những tiêu chí và yêu cầu cao là vô cùng cần thiết. Với những tiêu chí đưa ra, Busadco tự tin là mình có thể làm tốt được. “Sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi nhận thấy công nghệ của Busadco phù hợp nên đã tham gia dự thầu”, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco, Tổng chỉ huy công trình kè hồ Hoàn Kiếm chia sẻ.

Công nghệ bê tông cốt sợi Busadco đề xuất sử dụng để kè hồ Hoàn Kiếm nằm trong cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Cụm công trình này đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2016 và Tổng giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo chính là tác giả. Dù vậy, để được “chọn mặt gửi vàng” thi công ở hồ Gươm - thuộc di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Busadco phải trải qua một quá trình chứng minh tính ưu việt và sự phù hợp của giải pháp công nghệ này.

Không chỉ phải thuyết phục chủ đầu tư cùng rất nhiều chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư, nhà văn hóa, nhà sử học… bằng lời lẽ hay hình ảnh, tháng 11/2019, Busadco tiến hành kè thực nghiệm ở hồ Trúc Bạch. Thành công ở hồ Trúc Bạch mang Busadco đến gần hơn với dự án kè hồ Hoàn Kiếm, dự án mà Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo có mối quan tâm đặc biệt vì nhiều lý do.

Tháng 4/2020, Busadco thử nghiệm một đoạn kè Hồ Gươm dài khoảng 40m, đoạn từ nhà hàng Thủy Tạ đến khu vực Nhà Tròn. Đây là đoạn kè đã bị lún sụt nghiêm trọng và điển hình trong hệ thống kè xung quanh hồ, là đoạn kè thẳng, kè qua các gốc cây nằm sát mép hồ và cây nghiêng ra mặt hồ.

“Chúng tôi sử dụng kè kết cấu bê tông cốt sợi đúc sẵn, trung bình 1 cấu kiện dài 1m, rộng 1,7m, cao 2,5m, nặng 2,5 tấn, mặt kè ốp đá tự nhiên màu xanh lục”, Tổng giám đốc Busadco kể. Loại kè này Busadco đã ứng dụng ở rất nhiều công trình từ Bắc vào Nam, nhưng “riêng kè Hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ để đưa ra được sản phẩm chất lượng tốt nhất cả về kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa và bảo vệ môi trường”. Trong 15 đêm, Busdaco hoàn thành việc kè thí điểm và nhận được sự tán thưởng của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực vật liệu, kiến trúc.

Thành công của Busadco đã kết thúc hành trình 10 năm tìm kiếm giải pháp công nghệ kè hồ Gươm. Giữa tháng 6, dự án kè hồ Gươm được khởi công. Theo hồ sơ mời thầu, thời gian thi công là 4 tháng, đề xuất thầu là 3 tháng, nhưng thực tế thời gian thi công chỉ 65 ngày, vượt trước thời hạn đặt ra gần 1 tháng.

Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo cho biết, để hoàn thành công trình trước thời hạn, Busadco đã thi công theo quy trình 9 bước; đồng thời, bố trí 15 tổ, đội chia ca làm việc cả ngày lẫn đêm. Trong gần 3 tháng trời của mùa hè nóng kỷ lục trong vòng 50 năm qua, Tổng chỉ huy công trình kè hồ Hoàn Kiếm luôn có mặt tại hiện trường. Busadco đã thi công hàng trăm công trình lớn nhỏ khắp các miền đất nước nhưng đây là lần đầu tiên Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo có mặt ở hiện trường gần như 24/24h.

“Công trình này với tôi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt! Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội, là nơi hội tụ hào khí nghìn năm không chỉ của Thăng Long - Hà Nội mà còn của dân tộc Việt Nam. Có du khách nào tới Hà Nội mà lại không đến thăm hồ Gươm! Vậy nên được góp phần làm đẹp cho hồ Gươm vừa niềm vinh dự, tự hào, vừa là áp lực lớn, bởi nếu không thận trọng, không bảo đảm mọi yêu cầu đặt ra thì rất có thể sẽ trở thành tội đồ với tiền nhân, với những người yêu Hà Nội”, ông Thảo cho biết.

Tổng giám đốc Busadco thậm chí còn kiếm một chỗ ở ngay gần Hồ Gươm để tiện quán xuyến tất thảy công việc. Thành thử, việc ông nắm rõ từng gốc cây quanh hồ cũng dễ hiểu. "Bảo vệ cây di sản là đặc biệt quan trọng. Có 24 cây xanh ven hồ cần được xử lý, trong đó 10 cây phải neo chống, bảo vệ gốc rễ. Khi thi công đến gần các gốc cây, chúng tôi phải neo cành bằng cáp hoặc chống đỡ cây bằng các cột sắt, hoặc dùng cọc tre đẩy cành cây sang phía an toàn để mở đường đưa cấu kiện vào vị trí. Làm xong rồi, phải dùng chế phẩm sinh học giúp cây hồi phục và tăng trưởng”.

Chuyện cây cối chưa phải là khó khăn lớn nhất của dự án này. Theo lời Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo, vấn đề nan giải hơn là phải giữ nguyên diện tích mặt nước, giữ được đường cong mềm mại của hồ Gươm và tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật trong hồ.

“Busadco đã tiến hành rất cẩn trọng công tác trắc địa để xác định vị trí đặt kè và thiết kế cấu kiện có kích thước khác nhau để bảo đảm được tất cả các yếu tố trên, nhất là đường cong của hồ. Đây là công đoạn không được phép sai số dù chỉ là 1cm!”. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về môi trường, bảo vệ an toàn cho hệ thủy sinh, vi sinh, trước khi thi công, Busadco cắm cọc tre, quây bạt để bảo đảm nước tại vị trí thi công không loang ra ngoài hồ.

Trước ngày hợp long toàn tuyến kè Hồ Gươm, Tổng giám đốc Busadco một lần nữa thị sát công trình. Trong những ngày mùa thu tháng Tám gợi nhớ ngày vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhìn Hồ Gươm khoác lên một diện mạo mới mà vẫn giữ được đường cong mềm mại vốn có, màu sắc kè hòa quyện với khung cảnh xung quanh, ông càng tin rằng việc giải quyết mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại để đồng bộ cảnh quan của một quần thể di tích văn hóa đặc biệt là không quá khó. Công trình kè hồ Gươm hiện đại từ công nghệ, kết cấu, giải pháp kỹ thuật cho đến biện pháp thi công nhưng vẫn giữ được giá trị di sản, không gian văn hóa - chính là một ví dụ điển hình.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo