Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp ngành điều
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, giá điều thô hiện tại trên thị trường thế giới chỉ dao động từ 6.000 – 6.500 USD/tấn, giá này vẫn rẻ hơn giá điều thô trong nước mà doanh nghiệp đã mua trước đó. Trong khi đó, nếu không mua được nguyên liệu, hoạt động chế biến của doanh nghiệp sẽ đóng băng, xuất khẩu bị đình trệ, không những nợ trước không trả được mà còn nợ chồng nợ.
Tuy đứng trước cơ hội thuận lợi có thể mua được nguồn nguyên liệu giá rẻ nhưng không các doanh nghiệp lại rất khó có cơ hội mua được nếu bài toán về vốn không được giải quyết. “Doanh nghiệp chế biến nhập khẩu điều thô từ nước ngoài trong giai đoạn này là rất có lợi nhưng tiền đâu ra” – Ông Học đưa ra vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp ngành điều.
Ông Nguyễn Thái Học thừa nhận, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này không lường được sự biến động về giá trên thị trường thế giới, dẫn đến cung vượt cầu. Cụ thể, năm 2011, giá điều xuất khẩu bình quân dao động từ 8.000 – 8.200 USD/tấn (giá FOB), đến quý I năm 2012 giá xuất khẩu xuống còn 7.000 USD/tấn, và hiện giờ giá rớt xuống chỉ còn 6.500 USD/tấn.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua các ngân hàng thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng nên một số doanh nghiệp điều gặp bế tắ do thiếu vốn. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi nhiều doanh nghiệp “lỡ” nhập khẩu với giá cao và với số lượng lớn, nếu xuất sẽ lỗ nặng, do đó họ buộc phải ghim hàng lại trong kho chờ giá lên mới dám xuất bán, trong khi nợ ngân hàng đang đến kỳ đáo hạn.
Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, còn có nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp, họ đã tiên liệu chưa tốt được với biến động giá của thị trường. Giá hạt điều liên tục giảm trong thời gian qua. Năm 2011, điều xuất khẩu bình quân dao động từ 8.000-8.200 USD/tấn, đến quý 1-2012 xuống còn 7.000 USD/tấn, và hiện giờ còn 6.500 USD/tấn.
Nếu giải quyết được bài toán về vốn thì doanh nghiệp ngành điều sẽ không chỉ thoát khỏi khó khăn mà còn có điều kiện tận dụng những điều kiện thuận lợi phát triển, ngày một “ăn lên làm ra”, theo ông Nguyễn Văn Chiểu, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Lafuco – Long An, thành viên của G20 trong năm nay, ngành điều Việt Nam sẽ rất lạc quan bởi có được nhiều yếu tố thuận lợi như, Ấn Độ đã phát triển điều trước Việt Nam 50 năm, Việt Nam chỉ mới phát triển điều 20 năm nay, nhưng hiện nay Việt Nam đã vượt lên vị trí đầu bảng về xuất khẩu. Liên quan đến biến đổi giá thì, theo thông lệ, quý 1/2012 giá thường là thấp nhất vì sau tết tiêu thụ chậm lại, nhưng với mức giá 6500 USD/tấn như hiện nay là được.
Cũng theo đại diện của Lafuco thì năm nay điều thế giới không trúng mua, vì vừa qua nhiều nơi trồng điều ở Ấn Độ đã bị ảnh hưởng do thời tiết thiên tai, điều tất yếu mất mùa thì sẽ đẩy giá lên cao. Là người trong cuộc, ông Chiểu cho rằng bản thân các doanh nghiệp rất bình tĩnh nhưng ngân hàng và báo chí lại hốt hoảng. Bây giờ, chúng ta chỉ mới bắt đầu vào cuộc thôi. Từ đây đến cuối năm còn dài.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, phó chủ tịch VINACAS, ngành điều Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng, 20 năm về trước, doanh thu xuất khẩu chưa đầy 130 triệu USD, đến năm 2010, con số này đã biến thành 1,3 tỉ USD, và năm 2011 là 1,5 tỉ USD, trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Năm 2011, VINACAS cũng đã thành lập ra nhóm G20, nhóm này bao gồm những doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn, uy tín, chiếm đến 70% sản lượng xuất khẩu toàn Việt Nam. Các ngân hàng cũng chưa ghi nhận nợ xấu của nhóm G20 này. Ngoài ra, VINACAS cho biết hiện nay VINACAS có đến gần 300 đầu mối giao thương giữa các công ty xuất nhập khẩu. Vì vậy, ngân hàng không phải quá lo lắng về đầu ra của sản phẩm điều.
Theo VINACAS, ngành điều năm nay dự kiến sẽ sản xuất 800.000 tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 400.000 tấn. Do đó, ngay trong quý I này, các doanh nghiệp đang có nhu cầu vay từ 9.000 – 10.000 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu, cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9. Riêng ngoại tệ, các doanh nghiệp cần 250 triệu USD để nhập khẩu.
Cũng theo đại diện một số ngân hàng cho biết sẵn sàng cơ cấu lại nợ, xem xét từng trường hợp cụ thể, những lý do khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, các ngân hàng không quên khuyến cáo doanh nghiệp đang có dư nợ xấu cần phải cơ cấu lại cán cân xuất nhập khẩu để mau chóng hoàn vốn lại ngân hàng. “Các doanh nghiệp cần dự báo cẩn thận về biên độ biến động giá để tránh rủi ro, chúng tôi cần hoàn vốn an toàn”, ông Tô Nghị, Phó Tổng giám đốc Eximbank nhấn mạnh.
Đại diện của ngân hàng ACB, ông Nguyễn Huy Phú, phó giám đốc khối doanh nghiệp cho biết vẫn đồng hành cùng với doanh nghiệp, ACB cũng chưa phát hiện rủi ro gì đối với thanh khoản của các doanh nghiệp điều đang làm ăn với ACB và khẳng định, năm 2012, ACB dành 100 triệu USD cho các doanh nghiệp điều và bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6, ACB đảm bảo ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu điều.
Lâm Phương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định